Đường dẫn truy cập

Lãnh tụ Phong trào Người Thái Tự do cam kết không sử dụng bạo lực


Ông Jurapong Ruangsuwan, cựu Chủ tịch đảng Pheu Thái.
Ông Jurapong Ruangsuwan, cựu Chủ tịch đảng Pheu Thái.

Lãnh tụ của một tổ chức mới nhằm phục hồi quyền cai trị của phe dân sự ở Thái Lan sau cuộc đảo chánh của quân đội cho biết phong trào của ông sẽ không sử dụng bạo lực để chống lại cuộc đảo chánh. Từ Bangkok, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Một ngày sau khi thành lập một phong trào dân chủ ở nước ngoài, cựu bộ trưởng nội vụ của chính phủ Thái Lan bị lật đổ đã lên tiếng kêu gọi người đứng đầu tập đoàn quân nhân cầm quyền nói chuyện với ông.

Ông Jurapong Ruangsuwan, người đứng đầu Đảng Pheu Thai cho tới hôm chủ nhật vừa qua, nói rằng Tướng Prayuth Chan-ocha nên đối thoại với những người chống đối cuộc đảo chánh để mang lại hòa bình cho Thái Lan và phục vụ cho lợi ích của toàn thể dân chúng của vương quốc này.

Ông Jarupong nói với đài VOA rằng có lẽ phải mất một thời gian khá lâu thì nỗ lực loại bỏ chính quyền quân nhân mới nhất ở Thái Lan mới đạt được thắng lợi thật sự, nhưng ông sẽ theo đuổi mục tiêu này “bằng những phương tiện bất bạo động giống như Thánh Gandhi và Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Hôm qua, chính khách nổi tiếng của Thái Lan này đã thông qua truyền thông xã hội để loan báo việc thành lập “Tổ chức của người Thái Tự do tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ”, gọi tắt là FT-HD.

Hôm nay, trong cuộc phỏng vấn dài 45 phút dành cho đài VOA từ một nơi bên ngoài Thái Lan, ông Jarupong nói rằng ông không cho biết ông đang ở đâu vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của ông. Ông Jarupong đã không tuân lệnh của tập đoàn quân nhân đòi ông trình diện để thẩm vấn và quân đội đã lập ra một toán đặc nhiệm để truy nã ông.

Người đứng đầu phong trào FT-HD nói rằng tổ chức của ông không có liên hệ gì với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là người đã bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006. Ông Thaksin, một nhà tỉ phú, đã sống lưu vong trong nhiều năm và hỗ trợ tài chánh cho những đảng phải đã giành được thắng lợi trong tất cả các cuộc bầu cử toàn quốc kể từ năm 2001 tới nay.

Những người ủng hộ cũng như những người chống đối cuộc đảo chánh ngày 22 tháng 5 cho rằng một mục tiêu của sự can thiệp của quân đội là tìm cách loại bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng chính trị của ông Thaksin.

Ông Jarupong cho biết đứng trước súng đạn của quân đội, tổ chức Người Thái Tự do của ông không thể đấu tranh một cách đơn độc nên sẽ cần tới sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ông Jarupong bác bỏ những kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến hồi tuần trước cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng đối với cuộc đảo chánh và Tướng Prayuth là ứng viên được ủng hộ cho chức vụ thủ tướng.

Ông Jarupong nói rằng cuộc thăm dò đó “chỉ là một trò hề” và phản ánh điều mà ông gọi là “tình trạng sợ hãi.” Ông nói rằng dân chúng Thái Lan hiện giờ không dám bày tỏ ý nghĩ thật sự của mình. Ông lập luận rằng nếu Tướng Prayuth tin là ông ấy có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân thì tại sao lại không nhanh chóng tổ chức bầu cử?

Tướng Prayuth từng tuyên bố là phải mất một năm hay lâu hơn nữa để hoàn tất một tiến trình cải tổ sâu rộng, rồi sau đó mới có thể tổ chức bầu cử.

Một chính phủ lâm thời do quân đội bổ nhiệm dự kiến sẽ được thành lập trong vòng vài tháng nữa. Hiện giờ Tướng Prayuth nắm giữ mọi quyền hạn về hành pháp và lập pháp và đã đình chỉ việc áp dụng hiến pháp, ngoại trừ điều khoản thừa nhận Nhà Vua là nguyên thủ quốc gia.

Cuộc đảo chánh hồi tháng 5 đã gặp phải sự lên án của nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Đây là cuộc đảo chánh thứ 19 ở Thái Lan kể từ năm 1932, khi vương quốc này bắt đầu theo thể chế quân chủ lập hiến.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG