Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa nói họ muốn các trung tâm Văn hóa Khổng Tử của Trung Quốc tại Hoa Kỳ phải đăng ký hoạt động dưới hình thức “cơ quan nước ngoài”, và buộc tất cả các trường đại học Hoa Kỳ phải công khai những món quà có giá trị lớn từ các nguồn nước ngoài, theo Reuters.
Các Viện Khổng Tử, do chính phủ Trung Quốc điều hành, cung cấp các chương trình ngôn ngữ và văn hoá cho hơn 100 trường cao đẳng và đại học tại Hoa Kỳ. Các viện này bị chỉ trích là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ảnh hưởng lên giáo dục bậc cao của Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thượng nghị sĩ Tom Cotton và Dân biểu Joe Wilson đã trình “Đạo luật minh bạch về ảnh hưởng nước ngoài”, yêu cầu các viện phải đăng ký theo Luật đăng ký đối với cơ quan nước ngoài (FARA).
Đạo luật còn yêu cầu các trường đại học phải công khai các khoản đóng góp, hợp đồng hoặc quà tặng bằng hiện vật có giá trị từ 50.000 đôla trở lên từ bất kỳ nguồn nước ngoài nào. Đạo luật được đưa ra trong bối cảnh các giới chức Hoa Kỳ đang ngày càng quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền giáo dục của Hoa Kỳ.
Nhiều chính trị gia Mỹ đã hối thúc Hoa Kỳ phải đi theo đường lối cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump và các đảng viên trong đảng Cộng hòa của, và nhiều đảng viên Dân chủ khác.
Văn phòng trụ sở chính của Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nói rằng các viện này có mục đích gia tăng giao lưu văn hóa và giáo dục nhằm giúp hiểu biết lẫn nhau và tăng cường tình hữu nghị.
Vấn đề thực sự đối với những kẻ “nhiễu sự” về Trung Quốc là cách họ nhìn thế giới và sự phát triển của Trung Quốc, Reuters dẫn lời bà Hoa nói với các nhà báo.
“Nghe hết những lời nhiễu sự này, thỉnh thoảng khiến tôi nghĩ đến câu nói của Khổng Tử ‘Quân tử thì thản nhiên thư thái, trong khi kẻ tiểu nhân luôn lo lắng u sầu’”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
“Chúng tôi hy vọng những người này từ bỏ tư tưởng sai lầm và hãy dùng bộ não và cơ thể của họ vào thế kỷ 21, và có cái nhìn khách quan và hợp lý theo xu hướng thời đại trong sự phát triển toàn cầu và sự tiến bộ của Trung Quốc”.