Đường dẫn truy cập

Cựu Đại biện lâm thời Lê Hồng Quang bỏ trốn hay... bị bắt cóc?


Ông Lê Hồng Quang (Slovakia Embassy in Hanoi - Photo©Martin_Miklas)
Ông Lê Hồng Quang (Slovakia Embassy in Hanoi - Photo©Martin_Miklas)

Sau vụ ‘Trịnh Xuân Thanh lảo đảo bị hai mật vụ Việt Nam áp giải lên máy bay ở sân bay Bratislava’ diễn ra như phim vào ngày 26/7/2017, thủ đô của đất nước Slovakia nhỏ bé và xinh đẹp lại chứng kiến một tập phim mới mang tên ‘Lê Hồng Quang’.

Lê Hồng Quang là ai?

Lê Hồng Quang đã biến khỏi căn hộ của ông ta, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia quyết định chỉ đạo Bộ Nội vụ và cảnh sát nước này mở cuộc điều tra về vụ Trịnh Xuân Thanh. Vài cảnh sát Bratislava đã gọi cửa nhà Lê Hồng Quang nhưng ngôi nhà chỉ đáp lại bằng một vẻ im lặng chết chóc.

Cựu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội Lê Hồng Quang được báo chí Đức và Slovakia xem là nhân chứng rất quan trọng trong việc móc nối cho đoàn quan chức công an Việt Nam, dẫn dắt bởi Bộ trưởng công an Tô Lâm, mượn máy bay của Chính phủ Slovakia để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đưa từ Bratislava sang Moscow vào ngày 26/7/2017.

Vào năm 2017 khi Thủ tướng Slovakia là Robert Fico còn tại vị, Lê Hồng Quang là cố vấn của vị thủ tướng này và cũng được xem là ‘cánh tay nối dài’ của đảng và công an Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở Slovakia. Nhưng sau khi Fico phải từ chức do dính líu trách nhiệm về vụ hai vợ chồng nhà báo Slovakia bị giết do viết bài chống tham nhũng, thân phận Lê Hồng Quang đã chìm dần vào bóng tối.

Trước Lê Hồng Quang là ai?

Tháng Tư năm 2018, Tòa Thượng thẩm Berlin mở phiên tòa xử Nguyễn Hải Long - một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Ba tháng sau, để nhận được mức án khoan hồng chỉ có 3 năm 10 tháng về tội bắt cóc và làm gián điệp, Nguyễn Hải Long đã quyết định khai sạch.

Lời thú tội của Nguyễn Hải Long tại Tòa Thượng thẩm Berlin vào ngày 17/7/2018 rốt cuộc đã lần đầu tiên mang tính chứng cứ không thể bác bỏ về không chỉ vai trò của những con tốt Nguyễn Hải Long, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một quan chức thừa hành bậc trung là Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh (Bộ Công an) Đường Minh Hưng, mà còn là cơ sở quá rõ để lần đầu tiên Tòa án Đức tự tin công bố tên họ những ‘tác giả’ có chức vụ cao hơn thế nhiều nằm trong Bộ Chính trị đảng Việt Nam móc xích với phi vụ bắt cóc hệt như phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh của thế kỷ XX.

Chỉ ít ngày sau lời thú tội của Nguyễn Hải Long, hai tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia ngày 3/8/2018 đã đăng loạt bài điều tra về ‘Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’.

Không khó hình dung việc Frankfurter Allgemeine Zeitung đã được cơ quan cảnh sát Đức cung cấp những tin tức có giá trị không chỉ về vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, mà còn cả về vụ Trịnh Xuân Thanh đã được ‘trung chuyển’ như thế nào tại Slovakia mà tình báo Đức nắm được.

Khác hẳn với thái độ nhẩn nha và lẩn tránh trách nhiệm cách đây vài ba tháng, vào lúc này Chính phủ Slovakia đang như thể bấn loạn để cứu vãn cấp thời thể diện đối nội và uy tín quốc tế của họ.

Khủng hoảng Slovakia - Việt đang chính thức bắt đầu và còn vượt trên khủng hoảng Đức - Việt một bậc: nếu trong khủng hoảng Đức - Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ trưởng công an Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của Chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước.

Ngày 9/8/2018, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak tuyên bố chính thức sẽ không bổ nhiệm đại sứ của Slovakia ở Hà Nội cho đến khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được điều tra rõ ràng. Khủng hoảng Slovakia - Việt Nam đã chính thức bùng nổ với động tác hạn chế ngoại giao đầu tiên như thế.

Còn bây giờ là số phận của Cựu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội - Lê Hồng Quang.

Bỏ trốn?

Giả thiết nhiều khả năng xảy ra nhất là ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ việc Nguyễn Hải Long đã không kịp hoặc không dám bỏ trốn mà do đó đã bị cảnh sát Czech bắt giữ và dẫn độ sang Đức, Lê Hồng Quang đã đào thoát khỏi Bratislava và có thể ra khỏi biên giới Slovakia trước khi cảnh sát nước này đến tìm ông ta - mà hầu như chắc chắn Lê Hồng Quang sẽ ít nhất bị câu lưu để thẩm vấn nếu bị cảnh sát tìm thấy.

Mới đây, có tin cho rằng Lê Hồng Quang đã chuồn sang Thái Lan.

Dấu hỏi bật ra là nếu đào thoát khỏi Slovakia, liệu Lê Hồng Quang có tìm đường quay về ‘quê nhà’ Việt Nam? Bởi từ Thái Lan sang Việt Nam là quá gần, thậm chí có thể đi đường bộ qua biên giới Lào - Việt.

Nhưng lại có một nghi ngờ khác bật ra: liệu Lê Hồng Quang có an toàn khi quay trở về Việt Nam để trốn tránh giới tư pháp Slovakia? Liệu Lê Hồng Quang - với vai trò là một nhân chứng đặc biệt quan trọng và rất có thể đã nắm được nhiều thông tin, đặc biệt là thông tin về những nhân sự tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và ‘vận chuyển’ Thanh về Hà Nội để ‘tự nguyện đầu thú’, cũng là nghi can mà hồ sơ cảnh sát Đức khẳng định là ‘người trong cuộc’, có bị rơi vào cảnh ‘giết người diệt khẩu’ tại Việt Nam?

Không loại trừ việc Lê Hồng Quang chẳng còn bao nhiêu niềm tin vào ‘đảng và nhà nước ta’, đã phải tính toán khả năng không trở về Việt Nam mà cao chạy xa bay sang một nước khác, bỏ trốn khỏi hai lực lượng truy tìm mình là cảnh sát Slovakia và những người đồng chí của ông ta.

Nhưng cũng còn một giả thiết khác với Lê Hồng Quang…

Bị bắt cóc?

Một khi Trịnh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin ngay ban ngày ban mặt, không có gì là không thể xảy ra. Cộng đồng người Việt ở Czech và Slovakia lại khá đông đảo, là khu vực màu mỡ để nảy sinh và khai triển những âm mưu trong bóng tối.

Nếu Lê Hồng Quang bị bắt cóc, ai là kẻ bắt cóc? Lại là bàn tay của mật vụ Việt Nam? Và nếu có vụ bắt cóc đó, Lê Hồng Quang sẽ được ‘vận chuyển’ về Việt Nam bằng cách nào, theo đường nào?

Nhưng dù với giả thiết nào chăng nữa, vụ biến mất của Lê Hồng Quang - vào đúng thời điểm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh chính thức được điều tra ở Slovakia - đã bổ sung một bằng chứng không còn là mơ hồ về việc quan chức này đã trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu đến vụ bắt cóc và ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh ở sân bay Bratislava vào cuối tháng Bảy năm 2017.

Và chắc chắn vụ biến mất của Lê Hồng Quang càng khiến Bộ Nội vụ và các cơ quan tư pháp của Slovakia cũng như của Đức có thêm cơ sở để củng cố mối nghi ngờ, những bằng chứng về ‘đoàn công tác của Bộ trưởng công an Tô Lâm’ cùng quyết tâm điều tra bằng được vụ bắt cóc gây chấn động toàn châu Âu này.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG