Một phúc trình của Liên hiệp quốc về buôn lậu ma tuý trên toàn thế giới nói rằng châu Á đối mặt với việc sử dụng và buôn lậu loại thuốc kích thích amphetamine (ATS) ngày càng tăng nhờ vào việc tiếp cận dễ dàng các loại hoá chất quan trọng từ các nền kinh tế trong vùng. Thông tín viên VOA Ron Corben tường thuật rằng châu Á cũng đối mặt với những thách thức về việc buôn bán trên mạng những loại thuốc bất hợp pháp.
Một phúc trình của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm UNODC nói châu Á đã chứng kiến một sự gia tăng nhanh chóng trong việc sản xuất chất kích thích amphetamine trong những năm gần đây tại một vùng chiếm tới 50% những người sử dụng ma túy trên thế giới.
Ông Tun Nay Soe điều phối viên chương trình của UNODC nói việc sử dụng chất methamphetamine là một thách thức to lớn trong vùng:
“Methamphetamine là một vấn đề lớn nhất. Kể từ năm 2008 đã thấy có sự gia tăng đáng kể. Vào năm 2008 chỉ có từ 32 hay 33 triệu viên, nhưng vào năm 2012 chúng ta có trên 230 triệu viên. Và dù ngay cả những dữ liệu chưa hoàn tất, nhưng với dữ liệu hiện có, chúng ta có thể tiên đoán là sẽ không ít hơn năm 2012.”
Một khuynh hướng tương tự cũng xảy ra đối với những người sử dụng chất amphetamine dạng tinh thể, còn đươc gọi là “nước đá” gia tăng mạnh cách đây một thập niên tại Lào, Cambodia, Thái Lan và Việt Nam. Số lượng chất methamphetamine tinh thể tịch thu được hàng năm tại vùng này lên đến 11,6 triệu tấn.
Các hóa chất chính dùng để sản xuất loại ma túy ATS phát xuất từ một số vùng, đứng đầu là Triều Tiên, Nhật Bản, Singapore, Thái lan, Trung quốc và Ấn độ, nơi các hóa chất từ buôn bán hợp pháp chuyển sang bất hợp pháp.
UNODC nói có khoảng 243 triệu người tuổi từ 15 đến 64, khoảng 5% dân số thế giới, sử dụng ma túy trong năm qua. Mỗi năm có khoảng 200.000 người chết vì sử dụng thuốc bất hợp pháp, để lại gia đình phải chịu những khó khăn.
Afghanistan đứng đầu trong việc sản xuất thuốc phiện, nguyên liệu dùng để chế heroin, với diện tích trồng trọt tăng 36% trong năm 2013 đến 154.000 hécta, với sản lượng là 5.500 tấn thuốc phiện chiếm 80% sản lượng toàn cầu.
Tại Myanmar, tức Miến Điện, nước sản xuất thuốc phiện đứng hàng thứ nhì trên thế giới, diện tích canh tác vào khoảng 57.800 hécta, phần lớn tập trung tại bang Shan ở miền bắc.
Ông Tun Nay Soe thuộc UNODC nói nghèo đói là lực lượng thúc đẩy đằng sau việc sản xuất thuốc phiện của dân làng thuộc bang Shan:
“Hầu hết những làng trồng thuốc phiện nằm tại những khu vực hẻo lánh, do dó đối với dân làng việc trồng các hoa màu khác và bán rất khó khăn vì hạ tầng cơ sở không tốt. Nhưng trồng thuốc phiện khác hẳn. Họ không cần phải mang đi bán. Những kẻ buôn lậu đến tận cửa. Chừng nào chúng ta không thể giải quyết vấn đề nghèo đói tại bang Shan một cách thích đáng, tôi không nghĩ là chúng ta sẽ có thể chấm dứt việc trồng thuốc phiện tại Miến Điện.”
UNODC nói thuốc phiện vẫn là một quan ngại chính tại một vài nước châu Á gồm Trung quốc, Mã lai, Miến Điện và Việt nam.
Ông Tun Nay Soe nói thêm là những đe dọa khác bao gồm việc sản xuất và buôn lậu chất kích thích tâm lý và buôn bán trên mạng. Các loại thuốc thường không được các luật lệ hiện hành qui định và ít được biết về ảnh hưởng của thuốc dối với cộng đồng.
Việc bán các loại thuốc bất hợp pháp trên mạng làm cho nhà chức trách khó khăn trong việc nhận ra những người chủ các mạng lưới và những người sử dụng thường được gọi là “mạng lươi đen” mà nhà cầm quyền nói trị giá nhiều tỷ đô la.
Các giới chức LHQ nói buôn lậu ma túy tiếp tục phát triển thường được che đậy bằng tham nhũng của các giới chức thi hành công lực và các vấn đề tư pháp và sức khỏe.