Đường dẫn truy cập

LHQ chỉ trích chính sách về người tị nạn của Australia


Ảnh tư liệu cho thấy cảnh sát canh giữ thuyền chở người tị nạn Rohingya từ Myanmar.
Ảnh tư liệu cho thấy cảnh sát canh giữ thuyền chở người tị nạn Rohingya từ Myanmar.

Chính sách về người tị nạn của Australia bị cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc lên án. Những chỉ trích này được đưa ra vào lúc các giới chức nói những vụ rối loạn bạo động xảy ra tại một trung tâm di dân trên Đảo Christmas đã được dẹp yên. Thông tín viên Phil Mercer gởi về bài tường thuật từ Sydney.

Australia tự động giam giữ những người tị nạn đến nước này mà không có visa. Hàng trăm người bị bắt được đưa đến các trung tâm làm thủ tục tại New Guinea và Nauru ở vùng Nam Thái Bình Dương.

Tại một buổi điều trần ở Geneva, hơn 100 nước đã lên tiếng chống lại chính sách về người tị nạn của Australia. Nhiều người kêu gọi Canberra bãi bỏ việc giam giữ trẻ em và làm thủ tục tại nước ngoài.

Đại diện chính phủ Mỹ, bà Divya Khosla, nói Australia phải đảm bảo là các người bị cầm giữ phải được đối xử tử tế.

Bà Khosla phát biểu: "Chúng tôi khuyến khích Australia đảm bảo sự đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân quyền của những người tị nạn, bao gồm những người đang được làm thủ tục ở nước ngoài tại Papua New Guinea và Nauru."

Tuy nhiên ông Steve McGlynn, một giới chức Australia, nói trong buổi điều trần là những chính sách này đã ngăn người tị nạn liều mình trên biển qua việc tìm cách đến Australia bằng tàu thuyền, và làm áp lực lên những tổ chức buôn người.

Ông McGlynn cho biết: "Chính sách biên giới của Australia đã thành công trong việc gây thiệt hại cho bọn chuyển lậu người xảo quyệt, và nhờ vậy mà chính sách này đã cứu được nhiều mạng người trên biển. Tiếp tục kiên trì và kiên trì làm giảm sút những cuộc phiêu lưu trên biển là hậu quả của chính sách quản lý di trú của Australia, một chính sách đã giúp cho Australia có thể định cư thêm nhiều người tị nạn trong chính sách nhân đạo của chúng tôi."

Tại trung tâm giam giữ trên Đảo Christmas, nhà cầm quyền cho biết những xáo trộn bùng phát hôm Chủ Nhật đã chấm dứt.

Vụ bạo động bùng phát khi một người Iran người sắc tộc Kurd trốn trại chết bên ngoài trại. Những người trong trại đốt lửa và lập rào cản trong một khu vực với vũ khí trong tay. Các giới chức nói tình hình đã yên tĩnh trở lại sau những cuộc thương thuyết với những người bị giam trong trại.

Đảo Christmas nằm cách thành phố Perth của Australia khoảng 2.500 kilômét về phía tây bắc và cách đảo Java của Indonesia 300 kilômét về phía nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG