Liên Hiệp Quốc yêu cầu được biết về nơi mà 47 người nước ngoài bị bắt cóc ở Bắc Triều Tiên.
Theo một phúc trình về mất tích do bị cưỡng bách, Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết 34 nạn nhân tình nghi bị bắt cóc là người Nam Triều Tiên và số còn lại là người Nhật.
Phúc trình năm nay của Nhóm làm việc về Mất tích cưỡng bức hay không tự nguyện đã được công bố hôm thứ Hai.
Nhóm làm việc đã yêu cầu Bình Nhưỡng tuyên bố nơi ở của 19 ngư dân bị bắt cóc ở miền Bắc vào những năm 1960 và 1970. Họ gồm Won-mo Choi, người đang làm việc gần đảo Yeonpyeong vào thời điểm ông biến mất vào năm 1967 và các thành viên của tàu cá Five Oceans.
Hầu hết những người Nam Triều Tiên mất tích là các ngư dân.
Các nạn nhân không phải là ngư dân bao gồm 7 người đã bị bắt cóc trong cuộc chiến Triều Tiên và 3 người trên chuyến bay của hãng hang không Triều Tiên YS-11 bay đến Seoul vào tháng 12/1969. Sau khi máy bay cất cánh, nó đã bị không tặc và chuyển hướng đến miền Bắc.
Những người bị bắt cóc khác gồm 2 học sinh trung học bị bắt đi vào năm 1977.
Con gái của ông Seung-Hwan Lee, người đã bị bắt cóc trong cuộc chiến Triều Tiên, cho biết trong cuộc phỏng vấn với ban tiếng Hàn của VOA rằng thời gian là vấn đề quan trọng. Bà Mi-il Lee nói: “Hầu hết các bà vợ của họ đã mất vì đã 64 năm kể từ khi họ biến mất. Ngay cả con cái họ bây giờ cũng đã già. Chúng ta thực sự không còn nhiều thời gian chút nào”.
Nhật và Bắc Triều Tiên đã có các cuộc đàm phán về các vụ bắt cóc công dân Nhật. Tokyo nói rằng quan hệ với Bình Nhưỡng sẽ không cải thiện cho tới khi nào các trường hợp đó được giải quyết. Bắc Triều Tiên nói tất cả 8 người Nhật mất tích, chưa từng trở về nhà, đều đã chết.
Một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã thiết lập Nhóm làm việc về Mất tích không tự nguyện hoặc cưỡng bức vào năm 1980. Nhóm này làm việc với rất nhiều trường hợp cá nhân của việc vi phạm nhân quyền.
Nhóm này hoạt động như một kênh liên lạc giữa các gia đình của những người mất tích và các chính phủ liên quan.
Bất chấp việc 5 người Nhật Bản mất tích đã trở về, Bình Nhưỡng đã gửi một lá thư đến nhóm làm việc Liên Hiệp Quốc phủ nhận việc thực hiện các vụ bắt cóc do chính quyền hỗ trợ.