Một chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế và xã hội đã khiến Hoa Kỳ không thực hiện được những lý tưởng của mình, trong đó có quyền tự do hội họp và lập hội.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Maina Kiai hôm thứ Năm tường trình về chuyến thăm 17 ngày của ông quanh nước Mỹ, với các chặng dừng chân ở các thành phố lớn như Baltimore, Washington, New York và Philadelphia.
Ông Kiai nói: “Người dân có lý do chính đáng để tức giận và bất mãn tại thời điểm này.”
Ông nói mặc dù nhiệm vụ đi tìm hiểu sự thật của ông không dự trù bao gồm những vấn đề về chủng tộc, nhưng chuyến công tác quanh nước Mỹ của ông không thể nào hoàn thành mà không nhắc tới vấn đề phân biệt chủng tộc, bởi vì đây là vấn đề nổi lên trong các cuộc thảo luận.
Ông Kiai nói rằng hiểu biết về phân biệt chủng tộc có nghĩa là phải nhìn lại lịch sử 400 năm của Mỹ, trong đó có chế độ nô lệ và luật phân biệt chủng tộc đã gạt người Mỹ gốc Phi sang bên lề, khiến hàng triệu người phải chịu đựng “đau khổ, nghèo đói và hành hạ ngược đãi.”
Ông Kiai nhận xét rằng mặc dù chế độ nô lệ đã bị khai tử rất lâu rồi, và phân biệt chủng tộc là bất hợp pháp, phân biệt đối xử ở Mỹ ngày nay được che giấu trong những ngôn từ khác, chẳng hạn như “cuộc chiến chống ma túy” và chính sách phạt nặng sau lần phạm tội thứ ba, kể cả có những án phạt tù dài hạn đối với những tội nhẹ.
Ông nói các chính sách như vậy đã khiến cho nhiều người Mỹ gốc châu Phi rất khó xin được việc làm và tìm được nhà ở tử tế.
Ông Kiai nói “sự tức giận rõ rệt và có lý do của cộng đồng người da đen về những sự bất công đó” đã dẫn đến phong trào Black Lives Matter – nghĩa là Mạng sống Người da đen là quan trọng – nổi mạnh lên sau hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết các thanh niên da đen.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cũng lên án tình trạng của người lao động di cư tại Mỹ. Ông nói họ bị bóc lột và không dám hành động để cải thiện điều kiện làm việc vì sợ bị trả thù.
Nhưng ông Kiai nói Hoa Kỳ là quốc gia có truyền thống “tranh đấu và quật cường” và xã hội dân sự tại Mỹ là một trong những lực mạnh nhất của nước này.
Chính phủ của Tổng thống Obama chưa đưa ra bình luận nào về phúc trình của ông Kiai. Phúc trình này sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm tới.