Đường dẫn truy cập

LHQ: Tội ác ghê tởm của nạn buôn người phải chấm dứt


Bé gái mười bốn tuổi hành nghề mại dâm ngồi chờ khách tại một nhà chứa ở Faridpur, ở trung tâm Bangladesh.
Bé gái mười bốn tuổi hành nghề mại dâm ngồi chờ khách tại một nhà chứa ở Faridpur, ở trung tâm Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán người vào lúc đánh dấu Ngày Thế giới chống nạn buôn người. Từ Geneva, thông tín viên VOA Lisa Schlein ghi nhận chi tiết về hình thức nô lệ thời hiện đại trong bài tường thuật.

Ngày Thế giới Chống nạn Buôn người diễn ra 4 năm sau khi Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn một Kế hoạch Hành động Toàn cầu để chống lại tội ác này. Kế hoạch tập trung vào việc phòng chống buôn bán, truy tố những kẻ vi phạm và bảo vệ các nạn nhân. Kế hoạch đề nghị các quốc gia thành lập những chương trình toàn quốc để thực thi các biện pháp này.

Các nhà hoạt động cho nhân quyền coi ngày này là một bước nữa có ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại hình thức nô lệ thời nay. Cố vấn về Buôn bán Người của Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Youla Haddadin nói với đài VOA rằng việc bán và khai thác người để thủ lợi kinh tế diễn ra trên khắp thế giới. Bà nói không có nước nào là tránh khỏi tội ác này.

Bà Haddadin cho biết: “Tội ác diễn ra ở các nông trại, ở các nhà máy, trong các hộ tư nhân v.v. đối với tôi đây là hình thức nghiêm trọng nhất khi ta bắt mọi người phải phục dịch và lạm dụng họ làm người giúp việc trong nhà. Nó diễn ra dưới hình thức khai thác người khác hay buộc người khác làm nghề mại dâm. Nó diễn ra dưới rất nhiều hình thức. Ngày nay, ta có thể nhìn thấy rất nhiều cuộc hôn nhân cưỡng bách và những cuộc hôn nhân cưỡng bách chính là một hình thức mua bán người.”

Công cuộc mua bán người mang đầy tính tội phạm này phát đạt là nhờ nó đem lại rất nhiều lợi lộc. Tổ chức Lao động Thế giới ILO báo cáo những kẻ buôn bán người, những chủ nhân và tội phạm có tổ chức thu về 150 tỷ đô la mỗi năm nhờ công cuộc khai thác tình dục thương mại và khai thác kinh tế cưỡng bức.

Một cô gái hành nghề mại dâm đứng chờ khách trên đường phố Nice, miền Nam nước Pháp.
Một cô gái hành nghề mại dâm đứng chờ khách trên đường phố Nice, miền Nam nước Pháp.

ILO ước tính 21 triệu người, gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, là nạn nhân của lao động và mại dâm cưỡng bách. Tổ chức này báo cáo vùng châu Á Thái Bình Dương chiếm con số lớn người lao động cưỡng bách trên thế giới, tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Bà Haddadin nói rất khó mà xác định được nguyên do cội rễ của việc mua bán người. Bà nêu ra rằng có nhiều yếu tố khiến mọi người dễ bị khai thác.

Bà Haddalin nói tiếp: “Một số nhóm người bị đặt dưới bạo lực, phân biệt đối xử dưới mọi hình thức. Nghèo khó có thể là một yếu tố góp phần. Tôi không nói đó là nguyên do cội rễ, nhưng đó là một yếu tố góp phần bởi vì không phải tất cả người nghèo đều là nạn nhân bị mua bán. Một số nạn nhân thậm chí còn xuất thân từ những gia đình giàu có... Quý vị biết mọi người tự ý chọn việc di trú qua các nước khác, mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn và rồi ra lại trở thành nạn nhân bị mua bán bởi vì không có các chính sách rõ ràng về di trú được áp dụng.”

Liên Hiệp Quốc đang mượn sự kiện này để nâng cao nhận thức công chúng về những vi phạm khủng khiếp mà hàng triệu nạn nhân của nạn buôn người đang phải chịu đựng. Tổ chức thế giới này nói các hành động bạo lực và lạm dụng này không thể tiếp tục mà không bị trừng phạt. Bởi lẽ nạn buôn người diễn ra ở mọi quốc gia. Liên Hiệp Quốc cho rằng tất cả các chính phủ phải tận lực chấm dứt tập tục xấu xa này.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG