Vào lúc Liberia tìm cách chấm dứt vụ khủng hoảng Ebola đã kéo dài nhiều tháng, các tổ chức tranh đấu cho quyền truyền thông quốc tế báo cáo tình trạng tăng cường trấn áp đối với các ký giả ở nước này. Song các ký giả nói đây chỉ là một sự tiếp nối thành tích xấu của Liberia về tự do báo chí, gây hoen ố hình ảnh đối với phương Tây về Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf trong tư cách là vị nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên được dân cử của châu Phi và từng đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2011. Thông tín viên Benno Muchler ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
7 tháng sau vụ bộc phát Ebola tệ hại nhất từ trước đến nay, nhiều nhóm tranh đấu cho quyền truyền thông lên án chính phủ Liberia là ngăn cản các ký giả tường thuật về quy mô của vụ khủng hoảng.
Tuần trước, Thứ trưởng Thông tin Liberia tuyên bố trên đài phát thanh rằng chính phủ của ông sẽ ngăn các ký giả vào các đơn vị điều trị Ebola để bảo vệ quyền riêng tư của các bệnh nhân. Giới chỉ trích coi đây là một mưu toan che giấu các sự kiện về vụ bộc phát đang tiếp diễn đã làm hơn 2.300 người Liberia thiệt mạng và gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia.
Hôm 8 tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói “số ca bệnh mới sụt giảm được báo cáo ở Liberia trong 3 tuần vừa qua có phần chắc không đúng sự thực” mà chỉ phản ánh tình trạng thiếu khả năng thu thập dữ liệu.
Bộ trưởng Thông tin Liberia, ông Lewis Brown nói những lời cáo giác về việc chính phủ can thiệp vào việc tường thuật tin tức có liên quan đế Ebola là không đúng sự thực và nói thêm rằng chính phủ luôn nhấn mạnh đến việc tăng cường tự do báo chí.
“Mặc dầu đang ở trong tình trang khẩn trương, chúng ta chưa tự cho phép rơi vào một tình huống không được quyền tự do phát biểu và tự do thông tin. Chúng ta chưa và sẽ không làm như thế. Chúng ta đã tranh đấu hết sức mình, kể cả tổng thống. Tổng thống là quán quân về nhân quyền và tự do. Bà đã tranh đấu suốt đời cho tự do.”
Các nhóm tranh đấu cho quyền truyền thông có một quan điểm khác. Ông Abdullai Kamara, chủ tịch Liên đoàn Báo chí Liberia, nói chính phủ đã nhiều dịp tìm cách hạn chế giới truyền thông trong thời gian cuộc khủng hoảng Ebola.
“Có một vụ liên quan đến nhật báo Tiếng nói Phụ nữ (Women Voices). Báo này đã viết về một vụ tham những bên trong ngành cảnh sát có liên quan đến các hoạt động về Ebola. Và người xuất bản báo này đã bị cảnh sát mời đến và gần như là sách nhiễu.”
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, một cơ quan theo dõi truyền thông quốc tế, nói một nhật báo khác, tờ Ký sự Quốc gia (National Chronicle) đã bị cảnh sát bố ráp, viện cớ “quan tâm cấp thiết về an ninh quốc gia” để biện minh cho các hành động của họ.
Nhà xuất bản báo Ký sự Quốc gia, ông Philipbert Browne đã có mặt trong vụ bố ráp và kể lại:
“Trong vụ đột nhập, cảnh sát đã ném hơi cay vào văn phòng của chúng tôi, vì thể chúng tôi chạy từ phía trước ra phía sau văn phòng để thở. Khoảng 5 phút sau, họ lại ném hơi cay mắt và chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng BANG BANG, tiếng họ phá cửa vào văn phòng.”
Vụ việc xảy ra sau khi báo Ký sự Quốc gia cho đăng một bài về các kế hoạch của một nhóm người Liberia định thành lập một chính phủ mới. Nhưng ông Browne tin rằng việc đóng cửa báo của ông là do sau khi tường thuật nhiều vụ tham nhũng, trong đó có con trai của Tổng thống Johnson Sirleaf.
“Thật là điều đáng thất vọng đối với một phụ nữ có tầm vóc như thế, ta không thể tin được. Hàng ngày đọc báo, từ đầu đến đuôi toàn là chuyện tham nhũng. Bà ấy không làm gì để giải quyết. Không hề khiển trách. Mỗi lần có vụ nào, thì lại bổ nhiệm một hội đồng để điều tra tham nhũng. Mọi chuyện chấm dứt với hội đồng.”
Tờ Ký sự Quốc gia vẫn bị đóng cửa trong khi vụ này được đưa ra Tối cao Pháp viện Liberia.
Liberia xếp hạng thứ 89 trong 180 quốc gia trong danh sách của tổ chức Ký giả Không biên giới về chỉ số tự do báo chí năm 2014.