Đường dẫn truy cập

Chính phủ chuyển tiếp Libya đối diện với các thách thức về nhân quyền


Các mảnh xương cốt tại nơi được cho là 1 ngôi mộ tập thể gần nhà tù Abu Salim ở Tripoli, Libya, Chủ Nhật 25/9/2011
Các mảnh xương cốt tại nơi được cho là 1 ngôi mộ tập thể gần nhà tù Abu Salim ở Tripoli, Libya, Chủ Nhật 25/9/2011

Các nhà lãnh đạo mới của Libya đang thành lập một chính phủ lâm thời vào lúc củng cố quyền kiểm soát và chống chọi với các lực lượng còn lại trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ Moammar Gadhafi. Họ phải đối diện vói nhiều thách thức – có lẽ một trong những thách thức lớn nhất là trong lãnh vực nhân quyền. Thông tín viên VOA Scott Bobb vừa có mặt tại Tripoli ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Người dân Libya còn đang vui hưởng quyền tự do và hôm nay một cuộc đi chơi ngoài trời thăm các đền đài của nhà lãnh đạo Moammar Ghadafi.

Trẻ em đứng chụp hình giữa những đống đổ nát của một lâu đài của vị đại tá bị lật đổ và các cựu phiến quân nổ súng ăn mừng.

Người dân Libya cũng đang phát hiện những sự quá đáng trong 42 năm cai trị của ông Gadhafi. Giới tranh đấu cho nhân quyền nói rằng xã hội còn chưa giải quyết được những vụ vi phạm nhân quyền dưới thời ông Gadhafi cũng như trong thời gian diễn ra cuộc tranh đấu để lật đổ ông ta.

Nhà tù Abu Salim là một khu rộng lớn bao bọc bởi những bức tường nơi hàng ngàn tù nhân chính trị đã bị giam giữ trong nhiều năm và là nơi nhiều người đã chết hay mất tích. Khi phe nổi dậy chiếm nhà tù hồi cuối tháng 8, họ tìm thấy vô số hồ sơ về các tù nhân chính trị, về các nhân vật bất đồng chính kiến và nhiều người dân bình thường.

Ông Mohamed Salem Drah là một trong nhiều luật sư nhân quyền ghi chép hồ sơ các vụ bắt giữ, mất tích và những vụ vi phạm khác của chế độ Gadhafi.

Ông Drah nói: “Điều này rất quan trọng đối với lịch sử. Nó rất quan trọng đối với những người bị tổn hại. Nó rất quan trọng đối với bản thân công lý.”

Các bác sĩ và y tá trong tổ chức của ông cũng ghi nhận hồ sơ các vụ ngược đãi tù nhân và thường dân trong nhiều tháng chiến đấu. Họ nói cả hai bên đều có những vi phạm, mặc dầu theo họ thì phía trung thành với ông Gadhafi chịu trách nhiệm về phần lớn những vụ này.

Người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, ông Mustafa Abdel Jalil, kêu gọi người dân Libya tự chế trước các hành động trả thù và hô hào dân chúng xây dựng một quốc gia tôn trọng pháp quyền.

Ông Jalil nói đất nước phải cố gắng bãi bỏ sự hận thù và ganh ghét, và ông kêu gọi người dân Libya tránh trả thù và đàn áp. Ông nói những báo cáo về các vụ vi phạm sẽ được điều tra.

Các tổ chức nhân quyền đặc biệt quan tâm về vấn nạn của những người Phi châu tại Libya ở phía nam sa mạc Sahara với con số hơn 1 triệu người và chiếm 1/6 dân số trong nước. Tin ghi một số người đã chiến đấu cạnh các lực lượng trung thành với ông Moammar Gadhafi.

Giới hoạt động cho nhân quyền nói hơn 1/3 số tù nhân ở Libya là người Phi châu da đen. Một số người đã cho các phóng viên hay rằng họ được đề nghị tiền bạc và quyền công dân để chiến đấu cho ông Gadhafi.

Nhưng phần lớn là công nhân di trú. Nhiều người bỏ trốn khỏi Libya khi cuộc chiến bắt đầu. Nhưng hơn 100.000 người còn ở lại và tụ tập trong những lều dựng tạm để được bảo vệ.

Ông Peter Bouckaert thuộc tổ chức Human Rights Watch nói rằng nhiều người bị nghi là chiến binh thân Gadhafi và thường bị bắt giữ mà không có lý do hay cáo buộc.

Ông Bouckaert nói: “Vấn đề là một khi họ bị bắt bởi những thanh niên nhiệt thành quá đáng có vũ tranh trên đường phố, thì họ bị đưa tới một cơ sở giam giữ và thực sự không có tiến trình nào để họ được phóng thích. Không có ai nắm quyền điều tra, không có thẩm quyền pháp lý nào ngay lúc này.”

Ông Bouckaert nói sẽ rất khó mà biến nhà nước công an do ông Moammar Gadhafi xây dựng thành một xã hội dân chủ. Nhưng theo ông, đây là điều phần lớn người dân Libya mong muốn.

Ông Bouckaert nói tiếp: “Chúng ta biết rằng sẽ có những thách thức lớn phải tái thiết các cơ cấu của một nhà nước, nhưng thực sự có sự cam kết đối với việc ấy – không phải về phía giới lãnh đạo mới mà thôi, mà còn về phía công chúng nữa. Họ đã sống dưới sự bạo tàn quá lâu nên họ biết rõ họ muốn cái gì.”

Ông Bouckaert nói điều quan trọng là những người ủng hộ ông Gadhafi không tham gia vào các hành động vi phạm nhân quyền được bao gồm trong tiến trình hàn gắn và tái thiết. Bởi vì, theo ông, nếu có sự tham gia của họ, thì cuộc chuyển tiếp có thể đạt được một cách tương đối suôn sẻ và không có sự trả thù.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG