Việt Nam hôm 24/2 đã liên tục bỏ phiếu trắng đối với hai nghị quyết khác nhau của Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến ở Ukraine nhân đánh dấu tròn ba năm cuộc chiến sau khi đã bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết tương tự trước đây, theo tìm hiểu của VOA.
Nghị quyết thứ nhất có tên gọi là ‘Thúc đẩy nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine’ do chính nước này đệ trình và được các nước châu Âu đồng bảo trợ, trong khi nghị quyết thứ hai do Mỹ soạn thảo được gọi là ‘Con đường tới Hòa bình’, theo thông tin từ trang web của Liên Hiệp Quốc.
Nghị quyết của Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong khuôn khổ đường biên giới đã được quốc tế công nhận và đòi phải quy trách nhiệm cho những tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế thông qua các cuộc điều tra độc lập, công bằng và truy tố ở các cấp độ quốc gia và quốc tế.
Trong khi đó, nghị quyết do Mỹ đưa ra kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột và thiết lập nền hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine. Nghị quyết cũng bày tỏ tiếc thương đối với những mất mát nhân mạng trong cuộc chiến và lặp lại rằng mục đích cơ bản của Liên Hiệp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh cho thế giới.
Tuy nhiên, phiên bản của Mỹ, vốn không có nội dung chỉ trích Nga, đã bị sửa đổi trước khi đưa ra biểu quyết, theo hãng tin Reuters. Các nước châu Âu đã thêm vào nội dung chỉ trích Nga và nhấn mạnh sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Sửa đổi của Liên minh châu Âu sau đó đã được Đại hội đồng thông qua bất chấp sự phản đối của Mỹ, trang web của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Nghị quyết của Ukraine đã được thông qua với 93 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Việt Nam nằm trong số 65 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Brazil, Algeria, Argentina, Iran, Iraq, Lào, Brunei, Ả Rập Xê-út…
Các nước đông nam Á khác như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor Leste đã đứng về đại đa số các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Úc, Canada… để bỏ phiếu thuận.
Đáng chú ý là Mỹ đã lần đầu tiên đi ngược lại các nước đồng minh để bỏ phiếu chống nghị quyết lên án Nga, đứng về phía các nước như Nga, Bắc Triều Tiên, Belarus, Sudan. Washington từng ủng hộ một nghị quyết tương tự hồi tháng 2 năm 2023.
Nghị quyết do Mỹ đề xuất và được các nước châu Âu sửa đổi sau đó cũng đã được thông qua với 93 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 73 phiếu không có ý kiến, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Brazil, Algeria, Argentina, Iran, Iraq, Lào, Ả Rập Xê-út…. Mỹ cũng bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này.
Trong số các nước đông nam Á, ngoại trừ Lào và Việt Nam bỏ phiếu trắng, toàn bộ các nước còn lại, trong đó có Myanmar, Campuchia, Brunei, Timor Leste, đều bỏ phiếu thuận cho nghị quyết của Mỹ đã được sửa đổi.
Khác với nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng nó cho thấy thái độ của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề.
Việt Nam đã từng bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết tương tự của Liên Hiệp Quốc lên án Nga, đòi Nga rút quân khỏi Ukraine và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Cá biệt, Hà Nội đã bỏ phiếu chống đối với nghị quyết khai trừ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 4 năm 2022.
Diễn đàn