Việt Nam cho rằng các binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ nâng cao vị thế của quân đội, trong bối cảnh nhiều nước mới tuyên bố sẽ đóng góp thêm cho các phái bộ của LHQ trên khắp thế giới.
Hiện Việt Nam có 2 sĩ quan trong lực lượng của LHQ ở Nam Sudan và 3 ở Trung Phi.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam tham gia “với tư cách là thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc”.
Ông nói thêm: “Nếu khi tham gia, Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Liên Hiệp Quốc giao thì nó sẽ nâng vị trí và vai trò của quân đội Việt Nam, vốn từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và giải phóng đất nước và bây giờ lại tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình chung của Liên Hiệp Quốc để bình ổn các khu vực xảy ra xung đột, chiến sự, tạo điều kiện nhanh chóng khôi phục hòa bình cho khu vực đó".
"Như vậy chắc chắn là vai trò của quân đội nhân dân Việt Nam liên quan tới nhiệm vụ này sẽ được đánh giá cao hơn”, ông Tuấn nói.
Trong cuộc họp thượng đỉnh về gìn giữ hòa bình hôm 28/9 với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hơn 50 quốc gia cam kết sẽ đóng góp thêm khoảng 40 nghìn binh sĩ cho lực lương của Liên Hiệp Quốc.
Chưa rõ là Việt Nam có nằm trong số các nước đưa ra cam kết trên hay không.
Cộng cả hai người đã kết thúc nhiệm vụ và trở về nước, cho tới nay có tổng cộng 7 binh sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gì giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Khi được hỏi là con số này liệu có quá nhỏ so với hơn 100 nghìn binh sĩ của Liên Hiệp Quốc đang được triển khai ở khắp nơi, ông Tuấn cho biết, nếu sắp tới Việt Nam cử đơn vị bệnh viện quân y dã chiến thì con số sẽ phải 70 người, hay đơn vị công binh thì sẽ có tới 250 – 260 người.
Thách thức
Ông cũng cho hay thêm là Việt Nam mới đây đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm sau khi 2 sĩ quan trở về “để giúp những người đi sau thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.
Khó khăn đầu tiên là Việt Nam chưa bao giờ cử cấp đơn vị đi. Thứ hai là cũng giống như các nước khác, khi tới một địa hình khác thì các điều kiện, sinh hoạt nó sẽ khác đi. Như thế sẽ không thể bình thường như ở trong nước, nhất là những vùng đấy lại không ổn định về hòa bình.Trung tướng Võ Văn Tuấn nói.
Về các thách thức đối với các lực lượng của Việt Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam nói thêm với VOA Việt Ngữ:
“Khó khăn đầu tiên là Việt Nam chưa bao giờ cử cấp đơn vị đi. Thứ hai là cũng giống như các nước khác, khi tới một địa hình khác thì các điều kiện, sinh hoạt nó sẽ khác đi. Như thế sẽ không thể bình thường như ở trong nước, nhất là những vùng đấy lại không ổn định về hòa bình”.
Theo ông Tuấn, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho các đơn vị trên trước khi lên đường nhận nhiệm vụ để giúp họ “đủ khả năng để hoàn thành mọi nghĩa vụ”.
Tại hội nghị thượng đỉnh về gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm 28/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ đóng góp 8 nghìn binh sĩ cho lực lượng dự bị của Liên Hiệp Quốc.
Ông Tập cũng cho biết rằng một phần của khoản ngân quỹ phát triển và hòa bình trị giá 1 tỷ đôla mà Bắc Kinh lập ra sẽ được sử dụng cho các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Các bước đi đó giúp Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất vào nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế, trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới muốn chứng tỏ là một nước có trách nhiệm giữa lúc có nhiều quan ngại về sức mạnh quân sự gia tăng của Bắc Kinh, cũng như có các lo ngại về tranh chấp lãnh hải ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.