Lithuania sẽ không còn nhập khẩu khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước nữa, trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu bảo đảm được sự độc lập khỏi nguồn cung ứng của Nga, bộ năng lượng nước này cho biết ngày thứ Bảy.
Bộ nói tất cả khí đốt thiên nhiên cho tiêu dùng nội địa của Lithuania sẽ được nhập khẩu thông qua trạm nhập khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở cảng Klaipeda.
"Kể từ tháng này - không còn khí đốt của Nga ở Lithuania nữa," Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda viết trên Twitter ngày thứ Bảy, nói rằng nước này đang cắt đứt "quan hệ năng lượng với kẻ xâm lược."
"Nếu chúng tôi làm được, cả Châu Âu cũng có thể làm được," ông nói thêm.
Lithuania trước đó thông báo sẽ không cho phép nhập khẩu bất cứ LNG nào của Nga.
Cảng LNG Klaipeda, có tên là Độc lập, khánh thành vào năm 2014 để chấm dứt tình trạng độc quyền cung cấp khí đốt của Nga mà tổng thống khi đó là Dalia Grybauskaite gọi là "mối đe dọa sống còn" đối với đất nước.
Tuy nhiên, Lithuania không chấm dứt việc vận chuyển khí đốt của Nga tới vùng đất nội phận Kaliningrad. Website về lưới khí đốt của Lithuania vào tối ngày thứ Bảy cho thấy lượng khí đốt nhập khẩu từ Belarus tương đương với lượng khí đốt được xuất khẩu sang Kaliningrad.
Bộ cũng lưu ý việc rời bỏ nguồn cung ứng của Nga có nghĩa là nước này không cần phải đáp ứng đòi hỏi của Nga thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đòi các bên mua nước ngoài thanh toán khí đốt bằng đồng tiền của Nga từ hôm thứ Sáu, nếu không nguồn cung ứng của họ sẽ bị cắt, một bước đi mà các thủ đô Châu Âu đã bác bỏ và Đức gọi là "tống tiền."
"Trong hoàn cảnh đó, đòi hỏi của Nga thanh toán khí đốt bằng đồng rúp trở nên vô nghĩa vì Lithuania không còn đặt mua khí đốt và không phải trả thêm bất cứ khoản tiền nào nữa," bộ năng lượng nói trong một phát biểu.