Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho một công ty điện lực đổ gần 1 triệu mét khối bùn, cát gần một khu bảo tồn biển thuộc tỉnh Bình Thuận, theo báo chí Việt Nam hôm 28/6. Chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh nói có những lo ngại rằng việc đổ bùn gây hại đến thủy sản và rạn san hô.
Tin cho hay giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” gần 920.000 m3 các chất được nạo vét từ vũng quay tàu và bến chuyên dùng phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Giấy phép nêu ra tỉ lệ thành phần được nạo vét gồm 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Hiệu lực của giấy phép kéo dài từ 23/6 cho đến hết tháng 10 năm nay.
Theo báo chí trong nước, giấy phép quy định nơi đổ số vật liệu nạo vét là vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tổng diện tích khu vực này là 30 hectare mặt nước biển, trong đó nơi sâu nhất là hơn 36 mét.
Các báo không cho biết tọa độ cụ thể của vùng biển. Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty điện lực Vĩnh Tân 1 đã đề xuất nơi đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý (5,5 kilomet), khá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Giấy phép yêu cầu rằng những vật liệu đem đổ xuống biển phải đảm bảo không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn liên quan.
Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu nhiều cơ quan khác nhau giám sát và quan trắc để đảm bảo an toàn về môi trường khi thực hiện việc đổ.
... về phía những người dân ở đấy người ta cũng có nói về câu chuyện là nguồn lợi thủy sản ở đây người ta rất băn khoăn. Bùn thải đấy liệu có độc tố gì, và có ảnh hưởng gì không, thì họ chưa có câu trả lời. Có một vấn đề nữa là rạn san hô ở bên dưới là mối băn khoăn nhất của bên bảo tồn. Họ lo là bùn thải đổ xuống sẽ có tác động đến rạn san hôbà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Green ID
Mặc dù vậy, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), nói vẫn có những lo ngại về tác động của việc này. Hồi tháng trước, bà và một số chuyên gia khác đã đến Bình Thuận, gặp gỡ dân địa phương để tìm hiểu. Bà nêu ra đánh giá với VOA:
“Với một quyết định như vậy, về phía công chúng, có sự quan tâm muốn biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở là những giải pháp để kiểm soát tác động đã được minh chứng hay chưa. Và nếu có tác động xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Còn về phía những người dân ở đấy người ta cũng có nói về câu chuyện là nguồn lợi thủy sản ở đây người ta rất băn khoăn. Bùn thải đấy liệu có độc tố gì, và có ảnh hưởng gì không, thì họ chưa có câu trả lời. Có một vấn đề nữa là rạn san hô ở bên dưới là mối băn khoăn nhất của bên bảo tồn. Họ lo là bùn thải đổ xuống sẽ có tác động đến rạn san hô”.
Hồi đầu tháng 11 năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nói nếu cho phép công ty nhiệt điện đổ chất thải từ nạo vét luồng lạch xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Sở đã đề nghị không thực hiện đổ xuống biển mà tìm phương án khác.
Cũng vào thời gian đó, một số nhà khoa học cảnh báo việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô, các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn Hòn Cau - được thành lập từ năm 2008 - có thể bị xoá sổ.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau - có diện tích 12.500 ha - là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 kilomet với gần 234 loại san hô.