Đường dẫn truy cập

Lotus vừa trình làng đã có kết quả như mong muốn


Chính phủ nào lại không có mơ ước làm cho dân mình tiến bộ ngang bằng với các nước phát triển, chí ít trên lĩnh vực thông tin mà thời đại mới cho thấy chỉ có Internet là sợi giây vô địch nối liền năm châu bốn biển và từ đó đẻ ra vô số các lĩnh vực khác để người dân sử dụng như một cách kết nối với nhau trong công việc lẫn vô số chuyện tư riêng cần thiết.

Facebook, Instagram, Twitter là thành tựu trong khoa học IT biến người dùng kết nối với nhau thành mạng xã hội. Không những chúng khiến mặt đất trở nên nhỏ bé và mọi sự việc lón nhỏ đều nhanh chóng chia sẻ như đang ngồi đối diện với nhau khiến những tên tuổi này lớn đến nỗi rất nhiều chính phủ muốn nó trở thành sở hữu của mình. Tuy nhiên vấn đề không phải ở chỗ kỹ thuật hay tiền bạc mà nó nằm ở chỗ làm sao hấp dẫn được người dùng, mặc dù họ không phải trả một chi phí nào cả vì mọi chi phí đều do các doanh nghiệp chi trả cho quảng cáo của họ, thông qua số người sử dụng.

Việt Nam có lẽ nhận thấy sự lợi hại của mạng xã hội từ rất sớm, không những nó làm cho người dân gắn kết mà nó còn có khả năng chia sẻ ý tưởng, hình ảnh, sinh hoạt và nhất là thông tin từ mọi ngóc ngách cuộc sống trong cũng như ngoài nước. Từ năm 2009, mạng xã hội Việt Nam được chú ý từ 360 Plus, Multiply, WordPress, Yume, Tamtay… Ít tháng sau đó là Zing Me rồi Hahalolo, và gần đây nhất là Gapo với số tiền được đầu tư lên đến 500 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư G-Capital. Mọi người háo hức chờ đợi nhưng hụt hẫng vì nó không… hoạt động được vì lý do kỹ thuật mặc dù trước đó Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng hết lời khen ngợi và hy vọng nó sẽ trở thành thủ lĩnh hay ít ra cũng đầu đàn trên lĩnh vực mạng xã hội.

Hy vọng và thất vọng rồi lại hy vọng… doanh nghiệp Việt Nam được nhà nước mớm những niềm hy vọng to lớn đến nỗi nhiều công ty không lo ngại tiền vốn bỏ ra có thu về được hay không khi chính phủ Việt Nam khẳng định họ chính là những hạt nhân khiến mạng xã hội Việt Nam bung ra với thế giới hay chí ít cũng được ¾ dân số trong nước tiếp tay. Họ được rỉ tai về kinh nghiệm của Trung quốc vì nước này có mạng Weibo và không cần đến Facebook hay Twitter vẫn có thể cung cấp mọi tiện nghi cho người sử dụng. Muốn hoạt động hiệu quả và được nhà nước vận động, hỗ trợ họ chỉ cần làm một công việc duy nhất: ngăn chặn thông tin từ những người bất đồng chính kiến, từ dân oan, từ những nhóm phản động hay bị nhà nước lên danh sách, ngay cả những bài viết phản biện có vấn đề được nhà nước nhắc nhở.

Xem ra những yêu cầu này không quá lớn vì người dùng mạng xã hội tại Việt Nam không có quá nhiều người bị nhà nước lên danh sách như vậy và doanh nghiệp có chú tâm đến vấn đề này tiếp tục âm thầm góp vốn hay kêu gọi cổ đông để thực hiện trang mạng xã hội vì họ biết không gì lời bằng một trang mạng thành công.

Và một trong những doanh nghiệp tự tin với phiên bản mạng xã hội mới nhất là Lotus được VCCorp ra mắt vào ngày 16 tháng 9 và bắt đầu chạy bản thử nghiệm. Theo báo chí cho biết nhà phát triển tuyên bố đầu tư 1.200 tỷ đồng để theo đuổi dự án này. Không chỉ những tên tuổi mới, ứng dụng Mocha - một công cụ giao tiếp được phát triển bởi Viettel từ cuối năm 2018 cũng nâng cấp trở thành một mạng xã hội dành cho giới trẻ.

Và một lần nữa Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại đăng đàn quảng cáo cho Lotus với những ví von hết sức ấn tượng: “Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm”.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp nói rằng bản thân ông cảm thấy những cuộc tranh luận trên môi trường mạng không đem lại cho mình hạnh phúc, cảm giác thoải mái và có lẽ do đó ông muốn Lotus có một chức năng khác, "Lotus ra đời nhằm mục đích cho người dùng cảm giác thoả mãn nhất. Cụ thể, chúng tôi đã ra đời những công cụ như tút ảnh (đăng trạng thái, kể chuyện thông qua hình ảnh), viết blog, chùm ảnh... giúp lan toả những giá trị tích cực, đem lại những cảm xúc tuyệt vời cho người dùng".

Và cảm xúc tuyệt vời cho người dùng mà ông Tân muốn chỉ hai ngày sau đã có kết quả.

Báo Lao Động Online đăng một bài viết điều tra về Lotus với cái tựa khiến người đọc chưng hửng: “Mạng xã hội 1.200 tỉ: Chỉ toàn hot girl vậy sao?

Mở đầu bài báo viết: “Hội gái xinh, Gái xinh Châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp... Đây là những gì tràn ngập dòng thời gian của mạng xã hội thuần Việt 1.200 tỉ Lotus sáng nay. Xen giữa, có thêm VuiVL, Cup E Việt Nam, OK để coi. Và khi mở ra, cũng lại chỉ toàn gái.”

Với nhận xét không kém phần chua chát bài báo cho rằng “Một mạng xã hội cần thời gian để hoàn chỉnh, để thu hút đủ số người dùng cần thiết. Nhưng nếu chỉ gom nhặt vài thứ từ Zalo, vài thứ từ Facebook, vài thứ từ Instagram mà cơ chế tạo động lực cho những người làm content, cho sáng tạo- token- giống y như “kim cương” cho các cô gái uốn éo trên Bigo thì rõ ràng hoặc vị vua ấy còn lâu mới xuất hiện, hoặc đã băng hà khi còn chưa kịp sinh ra.”

Như vậy thật buồn. Cái buồn thứ nhất là Lotus vay mượn từ những trang mạng xã hội khác làm cho câu nói của ông Nguyễn Mạnh Hùng lạc lõng. Cái buồn thứ hai là người hiểu biết về cấu trúc mạng xã hội không còn hy vọng gì với các trang do người Việt được nhà nước đỡ đầu như Lotus sẽ thỏa mãn những yêu cầu đứng đắn nhất của họ. Cái buồn thứ ba là cái tên Lotus, nó đã biến thành bùn chứ không còn là sen đúng như nó mang trên mình.

Làm sao là sen được khi hình ảnh hot girl thiếu vải tràn ngập trên khuôn mặt mà nó vừa kéo chiếc khăn khánh thành xuống. Làm sao là sen được khi nó lan tỏa những thứ mà thanh niên Việt Nam “tâm đắc” trong bao năm qua để nhà nước yên tâm làm việc lớn. Nó không thể là sen và vì vậy trở về với nơi nó được sinh ra: Những vũng bùn lầy lội nhơ nhớp của ý tưởng dùng hình ảnh khiêu dâm, nhục dục để khiến thanh thiếu niên Việt Nam lánh xa những gì mà nhà nước đang cố tình che giấu.

  • 16x9 Image

    Mặc Lâm

    Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau. Các bài viết của Mặc Lâm là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG