Đường dẫn truy cập

Luật di trú của Arizona ra trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ


Người biểu tình chống luật di trú bị cảnh sát ở Phoenix, Arizona bắt giữ
Người biểu tình chống luật di trú bị cảnh sát ở Phoenix, Arizona bắt giữ

Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đang nghe các lập luận về một bộ luật di trú gây nhiều tranh cãi tại bang Arizona mà những người ủng hộ nói là cần thiết, nhưng phe chống đối thì cho là nhắm mục tiêu vào tất cả các di dân một cách bất công.

Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đang nghe các lập luận về một bộ luật di trú gây nhiều tranh cãi tại bang Arizona mà những người ủng hộ nói là cần thiết, nhưng phe chống đối thì cho là nhắm mục tiêu vào tất cả các di dân một cách bất công.

Dự luật có tác động sâu rộng này được Thống đốc Cộng hòa của bang, bà Jan Brewer, ký thành luật vào năm 2010. Giới ủng hộ nói biện pháp mạnh ở địa phương là điều hết sức cấp thiết tại tiểu bang vùng biên giới này, và cáo buộc chính phủ liên bang đã không có đủ biện pháp để ngăn chặn luồng di dân bất hợp pháp.

Một tòa án liên bang đã ngăn chặn nhiều phần của dự luật, kể cả một biện pháp cho phép cảnh sát được kiểm tra tình trạng cư trú của một người khi bị chận hay bị bắt vì những vấn đề khác.

Chính quyền Obama cho hay việc thực thi luật di trú là công tác của chính phủ liên bang và cần phải được giải quyết ở cấp bậc đó. Vấn đề gây chia rẽ và tranh cãi sôi nổi này dự trù sẽ được chú ý nhiều trước cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.

Theo dự kiến, Tối cao Pháp viện sẽ đưa ra quyết định trước cuối tháng 6.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Charles Schumer tuyên bố nếu tối cao pháp viện bênh vực phán quyết của tiểu bang Arizona, ông sẽ đề xuất dự luật để nhắc lại rằng Quốc Hội không có ý định để cho các tiểu bang thực thi các luật về di trú riêng của mình.

Các thành viên Cộng hòa tại Quốc hội dự trù sẽ đề xuất các kế hoạch cải cách di trú riêng.

Ông Schumer nói đảng Cộng hòa đã làm lơ trước các nỗ lực hợp tác với đảng Dân chủ về vấn đề này. Ông phát biểu tại một cuộc điều trần ở Thượng viện hôm thứ ba, trước khi Tối cao Pháp viện nghe lập luận.

Số người nhập cư hàng năm từ Mexico vào Hoa Kỳ từ năm 1991- 2010
Số người nhập cư hàng năm từ Mexico vào Hoa Kỳ từ năm 1991- 2010
Ông Schumer nói: “Tôi chắc chắn không ai có thể không nhận ra rằng không có người nào trong phe đối lập của chúng ta đến dự phiên điều trần này. Đó không phải là điều lạ. Họ không có mặt trong cuộc điều trần này cũng y như đã không có mặt trong bất cứ nỗ lực nào mà chúng ta đã thực hiện để thương nghị một giải pháp toàn diện cho vấn đề di trú. Chúng ta cần mọi người phải ngồi xuống, những người thuộc cả hai phe tại Quốc hội để giải quyết vấn đề theo tinh thần lưỡng đảng, và chúng ta đã không tìm được các đối tác thương nghị.”

Nhà lập pháp đứng sau dự luật của tiểu bang Arizona, ông Russell Pearce nói “sự xâm nhập của các ngoại nhân bất hợp pháp” đề ra một trong những “mối đe dọa lớn nhất cho quốc gia chúng ta về mặt chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia.”

Ông Pearce nói tiếp: “Chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục làm lơ. Có một số người ra tranh vào các chức vụ công cử và nói về việc “dựng lên một hàng rào” nhưng một khi đắc cử rồi thì không bao giờ nghe nói đến nữa. Tôi nghĩ nước Mỹ hơi chán những lời phát biểu qua đường của các chính trị gia thay vì đối phó với vấn đề trước mắt. Hãy thực thi luật lệ. Hãy bảo vệ biên giới của chúng ta.”

Bị mất chức hồi năm ngoái trong cuộc bầu cử lại, ông Pearce nói những người đã nhập cản hbất hợp pháp gồm cả các can phạm hình sự, các thành phần thuộc các băng đảng ma túy và buôn người. Ông nói tiểu bang đã phải tốn phí hàng tỷ đôla cho ngành giáo dục, y tế và các trại giam dành cho di dân. Ông nói đa số các bang khác đã bày tỏ sự ủng hộ dự luật này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG