Đường dẫn truy cập

Đón xem: Quốc hội bàn chuyện chặt… đuôi


Công nhân nhà máy Pouyuen - Việt Nam trong một cuộc biểu tình trước đây. Hình minh họa.
Công nhân nhà máy Pouyuen - Việt Nam trong một cuộc biểu tình trước đây. Hình minh họa.

Mười ngày nữa, các đại biểu Khóa 14 của Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tề tựu về Hà Nội dự Kỳ họp thứ 7. Điểm đáng chú ý nhất trong kỳ họp kéo dài gần một tháng (theo dự kiến sẽ khai mạc vào 20 tháng 5 và bế mạc vào 14 tháng 6) này, có lẽ sẽ là tiết mục nghe chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh về Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để chuẩn bị xem xét – phê chuẩn và thảo luận về Dự luật Sửa Luật Lao động hiện hành.

***

ILO có tám công ước được xem là căn bản: Côn­g ước số 87 và 98 về Tự do hiệp hội và Thương lượng tập thể. Công ước 29 và 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và Bắt buộc. Công ước số 100 và 111 về Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và Nghề nghiệp. Công ước số 138 và 182 về Xóa bỏ lao động trẻ em.

Cách nay 21 năm (1998), các quốc gia thành viên của ILO đã thông qua Tuyên bố về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, cũng như cách thức giám sát – thực hiện tuyên bố này (Tuyên bố ILO 1998), với lõi là tám công ước căn bản.

Tuy là thành viên của ILO nhưng Việt Nam chỉ hành xử như một… quan sát viên. Việt Nam không xem xét - phê chuẩn tám công ước cơ bản xác lập các quyền căn bản của người lao động, đặt định các nguyên tắc để bảo vệ những quyền này. Thời thế đổi thay, sau khi nội lực quốc gia bị các doanh nghiệp nhà nước làm cho thất tán, kinh tế càng ngày càng phụ thuộc vào vốn đầu tư từ ngoại quốc và xuất khẩu, gia nhập các hiệp định thương mại tự do đa phương trở thành chuyện sống còn của Việt Nam.

Để bảo đảm văn minh và công bằng, những quốc gia tham dự vào các hiệp định thương mại tự do đa phương luôn đòi đối tác phải thực thi Tuyên bố ILO 1998.

Văn minh là kiểm soát để nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do không thể gạt bỏ nhân vị, nhân phẩm ở bất kỳ đâu.

Thực hiện các giải pháp bảo vệ nhân vị, nhân phẩm thì tốn kém (nhà xưởng phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa ô nhiễm, nơi làm việc phải thoáng và đủ sáng, ngay cả nhà ăn, nhà vệ sinh cũng phải đúng tiêu chuẩn,…), cho nên không có quốc gia nào tham dự những hiệp định thương mại tự do đa phương được miễn trừ. Có như vậy mới ngăn ngừa được tình trạng hạ giá thành bằng cưỡng bức lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư vào nhà xưởng, ngăn ngừa - xử lý ô nhiễm… để tạo ra ưu thế trong cạnh tranh.

Thiên hạ tự nguyện chấp nhận những ràng buộc đó vì chúng vừa nhân đạo, vừa giúp duy trì sự công bằng. Riêng Việt Nam, sau một thời gian dài ngần ngừ đành gật đầu. Trong quá trình tìm đủ mọi cách để trở thành thành viên của TPP (Hiệp định Đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương, CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu - Việt Nam), Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước căn bàn của Tuyên bố ILO 1988.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn lần lữa trong việc phê chuẩn ba công ước còn lại: Công ước 98 (Quyền Tổ chức và thương lượng tập thể), Công ước 87 (Quyền Tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức hiệp hội) và Công ước 105 (Xóa bỏ Lao động cưỡng bức).

Tại sao một nhà nước, thông qua hiến pháp, hiến định rạch ròi “do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Khoản 2, Điều 2 Hiến pháp) nhưng Quốc hội ngần ngừ hơn hai thập niên vẫn chưa gật đầu với những: Quyền Tổ chức và thương lượng tập thể, Quyền Tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức hiệp hội, Xóa bỏ Lao động cưỡng bức?

Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục khẳng định là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp) mà lại không “chớp thời cơ”, nắm lấy tám công ước trong Tuyên bố ILO 1998 ngay lập tức như một thứ “vũ khí” để bảo vệ giai cấp công nhân, nhân dân lao động cả trên bình diện quốc gia lẫn bình diện quốc tế?

***

Giống như các quốc gia khác, tại Việt Nam cũng có tổ chức đại diện cho người lao động. Việt Nam chỉ khác phần lớn các quốc gia khác ở chỗ chỉ có một tổ chức giữ vai trò đại diện: Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Theo qui định của luật pháp Việt Nam, toàn bộ người lao động tại Việt Nam bị gom về một mối, tổ chức đại diện cho họ được phân thành nhiều cấp, trải dài từ trung ương (Tổng LĐLĐ VN) đến địa phương (LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đòan cơ sở tại tất cả các nơi có người lao động).

Khác với các tổ chức đại diện cho người lao động của thiên hạ, Tổng LĐLĐ Việt Nam hoạt động bằng ngân sách do chính phủ cấp (tất nhiên lấy từ thuế do toàn dân đóng góp) và bằng phí công đoàn. Theo qui định của luật pháp Việt Nam, doanh giới và người lao động cùng phải nộp phí để nuôi Tổng LĐLĐ Việt Nam: Giới chủ doanh nghiệp phải trích 2% quỹ lương, còn người lao động phải nộp 1% lương để cùng nuôi hệ thống công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam dẫn dắt.

Dẫu nhận tiền do người lao động đóng góp nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa bao giờ vì họ. Người lao động tại Việt Nam nói chung và công nhân nói riêng, hoặc phải cắn răng, cam chịu thiệt thòi vì bị giới chủ chèn ép, hoặc phải tự vận động theo kiểu của họ. Tháng 8 năm 2015, Tổng LĐLĐ Việt Nam hồn nhiên khoe: 20 năm qua, tại Việt Nam chỉ có “ngừng việc tập thể” để đòi quyền lợi, chưa có cuộc đình công nào đúng nghĩa (theo luật, chỉ có thể xem là đình công nếu được LĐLĐ lãnh đạo) (1). Khoảng một năm sau, tháng 9 năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục khoe thêm, trong ba năm kể từ khi Luật Lao động 2012 có hiệu lực, hàng ngàn cuộc đình công đã xảy ra tại Việt Nam đều sai với qui định của pháp luật (2). Đến nay vẫn thế, công nhân vẫn vừa đóng phí công đoàn, vừa tự tổ chức các cuộc “ngừng việc tập thể” để tranh đấu cho quyền lợi của mình.

Có một điểm hết sức khôi hài là dù Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên quyết đứng bên lề, không để hệ thống công đoàn can dự vào việc đệ đạt yêu sách, tranh đấu cho quyền lợi của người lao động nhằm giữ gìn sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư nhưng ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng không ưa Tổng LĐLĐ Việt Nam vì ăn… dày quá!

Cuối năm 2015, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho doanh giới bình chọn “Mười qui định tốt nhất và mười qui định tồi nhất”. Qui định buộc doanh giới phải góp 2% quỹ lương (2% tổng số tiền lương trả cho công nhân) để nuôi Tổng LĐLĐ Việt Nam trong Luật Công đoàn được chọn là một trong “mười qui định tồi nhất”.

Tổng LĐLĐ Việt Nam phải vội vàng soạn văn bản, gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư của đảng CSVN xin “chỉ đạo Đảng – Đoàn ở VCCI ngưng việc bình chọn đối với Luật Công đoàn 2012” (3). Trong văn bản ấy, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa phê phán VCCI bình chọn chuyện buộc doanh giới phải nộp 2% quỹ lương cho Tổng LĐLĐ Việt Nam là một trong “mười qui định tồi nhất”, hoàn toàn không chính xác, không hợp lý, không hợp tình, thiếu hiểu biết về tổ chức công đoàn, vừa nhấn mạnh, suốt 55 năm vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tận tâm thực hiện và hoàn thành “các nhiệm vụ mà đảng và nhà nước giao”, cho nên đảng và nhà nước cần can thiệp để “uy tín” của Tổng LĐLĐ Việt Nam không bị vấy bẩn, cũng như để Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục nhận được khoản thu tương đương 2% quỹ lương mà doanh giới phải nộp, có như vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đủ sức, tiếp tục dẫn dắt hệ thống công đoàn.

***

Trong bối cảnh như hiện nay, CPTPP và EVFTA là những chiếc phao cứu sinh cho cả kinh tế lẫn chính trị Việt Nam. Đó là lý do Việt Nam phải cố gặm 3/8 khúc xương còn lại trong Tuyên bố ILO 1998, nếu muốn CPTPP và EVFTA phát huy tác dụng hỗ trợ chuyện sống còn.

Tháng 11 năm ngoái, khi các đại biểu của Quốc hội khóa 14 thảo luận về việc phê chuẩn CPTPP, ông Ngọ Duy Hiểu, nhân vật vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, than rằng, phê chuẩn Công ước 98, chấp nhận sự tồn tại của những tổ chức đại diện người lao động độc lập với Tổng LĐLĐ Việt Nam là tạo ra “tiền lệ chưa từng có”. Trong tương lai, chuyện Tổng LĐLĐ Việt Nam phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động độc lập, từ tập hợp thành viên, thành lập tổ chức ở cơ sở đến chia sẻ nguồn lực về tài chính được ông Hiểu xác định là… “thách thức lớn”. Ông Hiểu so bì: Hệ thống công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam còn phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam, các tổ chức khác chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động (4)…

Cộng ưu tư của ông Hiểu với thực tế - cả người lao động lẫn doanh giới đều đã ngấy Tổng LĐLĐ Việt Nam - tương lai của Tổng LĐLĐ Việt Nam rõ ràng rất đáng ngại. Tuy vậy vẫn không đáng ngại bằng viễn cảnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam tan rã, làm sao đảng CSVN duy trì được vai trò “đội tiên phong của giai cấp công nhân”, từ đó đảm nhận thêm vai trò “đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”?

Đó là lý do tại sao cách nay nửa năm, khi thảo luận về CPTPP, các đại biểu Quốc hội lưu ý, không để lọt những tổ chức có động cơ chính trị, nhân danh bảo vệ quyền lợi người lao động, can dự vào chính trị, chống phá nhà nước. Làm sao có thể định tính, định lượng để tách bạch rạch ròi giữa bảo vệ quyền lợi người lao động với chính trị?..

***

Cuối cùng, tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam cũng đã phê chuẩn CPTPP. Những người như ông Hiểu tặc lưỡi “thôi thì chấp nhận thách thức vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Phê chuẩn CPTPP mới là bước khởi đầu, sau đó theo cam kết khi tham gia CPTPP còn phải phê chuẩn các công ước trong Tuyên bố ILO 1998. Trước mắt là Công ước 98. Bởi Luật Lao động, Luật Công đoàn có nhiều điểm mâu thuẫn với tinh thần Công ước 98 nên phải sửa cả những bộ luật này.

Những người như ông Hiểu đang an ủi nhau, CPTPP cho Việt Nam thời gian ân hạn là ba năm để chuẩn bị cho việc thực hiện các qui định liên quan đến lao động, thêm hai năm cho việc chuẩn bị thực hiện các qui định liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, sau đó, nếu chưa tới nơi, tới chốn, có thể xin các quốc gia thành viên tham gia CPTPP cứu xét, không trừng phạt về thương mại!..

Lần này, mong là ông Hiểu và các đồng chí của ông gặp may!

Đầu thập niên 2000, khi đàm phán với Mỹ để ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, Việt Nam từng nằng nặc đòi Mỹ miễn trừ việc thực thi một số điều khoản vì là một quốc gia đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mỹ ưng thuận nhưng không may cho Việt Nam là yêu cầu đó của Việt Nam trở thành bằng chứng để Mỹ và nhiều quốc gia khác liên tục áp thuế chống phá giá lên đủ loại sản phẩm xuất cảng của Việt Nam bởi: Xây dựng chủ nghĩa xã hội thì không có “kinh tế thị trường” đúng nghĩa, giá thành sản phẩm có thể không “thực” vì những yếu tố phi thị trường và cần phải điều chỉnh bằng thuế chống phá giá để ngăn chặn cạnh tranh bất chính, bảo đảm công bằng.

Năm tới, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ tròn 20 tuổi. Việt Nam đã lạy lục bốn phương, tám hướng gần hai thập niên nhưng vẫn chưa được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Cũng vì vậy, các lợi thế tất nhiên và tự nhiên, lẽ ra có thể hỗ trợ sản phẩm Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới, không những chẳng tạo ra được ưu thế nào mà còn có thể là nguyên nhân dẫn tới việc phải lãnh thuế chống phá giá!

Xét về bản chất, việc Quốc hội như Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bàn về những qui định cho phép thành lập các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, độc lập với Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng giống như bàn chuyện chặt… đuôi. Ngày 30 tháng 4, giới thiệu Dự luật Sửa Luật Lao động, tờ Pháp Luật TP.HCM hào hứng giật tít:“Đề xuất người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập” (5). Vài tiếng sau, tờ báo này vội vàng sửa tít vừa kể thành “Lấy ý kiến về Bộ luật Lao động sửa đổi đến ngày 28-6-2019” (6). Đó là một bằng chứng thú vị về mức độ thành tâm, thiện ý của hệ thống chính trị.

Chặt đứt hẳn đuôi hay chỉ một mẩu để đuôi tiếp tục ve vẩy thì còn tùy. Chỉ có điều Dự luật Sửa Luật Lao động “khéo” đến thế nào thì Công ước 98 vẫn thẳng tuột như đã biết. Chẳng riêng công nhân mà tất cả các giới, kể cả lực lượng vũ trang đều có thể thành lập những tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ. Muốn ngăn chặn, hạn chế cứ… thử. CPTPP đã phê chuẩn và EVFTA đang để ngỏ chờ ký chắc chắn không như Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – vi hiến cũng chẳng sao!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/20-nam-qua-chua-co-cuoc-dinh-cong-nao-dung-luat-948135.htm

(2) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2016-09-08/chua-co-cuoc-dinh-cong-nao-theo-dung-quy-dinh-phap-luat-35381.aspx

(3) https://vov.vn/tin-24h/dung-ngay-viec-binh-chon-tot-nhattoi-nhat-voi-luat-cong-doan-512054.vov

(4) https://plo.vn/thoi-su/them-to-chuc-canh-tranh-voi-cong-doan-tien-le-chua-tung-co-801221.html

(5) https://www.facebook.com/hoang.t.giang.58/posts/10158395054938098

(6) https://plo.vn/xa-hoi/lay-y-kien-ve-bo-luat-lao-dong-sua-doi-den-ngay-2862019-830972.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG