Giới nghiên cứu luật trong nước và quốc tế tỏ ra khá bất ngờ với quyết định trục xuất ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) về Việt Nam của Singapore, và cho rằng có sự “thỏa thuận” và “áp lực” giữa hai chính phủ.
Mặc dù không loại trừ khả năng ông Phan Văn Anh Vũ bị trả về nước, nhưng Luật sư Nguyễn Khả Thành từ Việt Nam nói ông bất ngờ với diễn tiến mới của vụ Vũ “nhôm”.
“Ban đầu tôi cũng hơi bất ngờ vì theo tôi, cũng có những quy định của Singapore, nhưng có lẽ vì tính ngoại giao nên người ta có thể bỏ qua và dẫn độ ông Vũ nhôm về Việt Nam vào chiều nay”, LS. Thành nói.
Quyết định của Singapore là một quyết định chịu áp lực rất lớn từ phía Việt Nam, hoặc là đã có một sự thỏa thuận ngầm nào đó.LS. Vũ Đức Khanh
Bình luận với VOA tối 4/1, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng do mối quan hệ thân thiết và lợi ích kinh tế, chính trị to lớn giữa Singapore và Việt Nam, nên chính phủ Singapore đã đưa ra một quyết định đi “hơi quá” quy trình pháp lý.
Ông nói:
“Quyết định của Singapore là một quyết định chịu áp lực rất lớn từ phía Việt Nam, hoặc là đã có một sự thỏa thuận ngầm nào đó”.
Theo phân tích của LS. Khanh, phía chính phủ Singapore ngay từ đầu đã tỏ ra hợp tác khi chính quyền Hà Nội thông báo cho Singapore về việc hủy hộ chiếu của ông Vũ.
“Theo khung pháp lý về vấn đề hỗ tương tư pháp giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Việt Nam, thì phía Bộ Công an, theo diễn giải của tôi, đã thông qua Bộ Ngoại giao liên lạc với Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội để thông báo về vấn đề này, đó là lý do tại sao một nguồn tin cho biết hộ chiếu ông Vũ dùng để đi vào Singapore đã bị hủy, nhưng trước đó khi ông Vũ đi vào thì nó vẫn có giá trị. Như thế là đã có sự hợp tác giữa phía Việt Nam và Singapore”, LS. Khanh nói.
Một người theo dõi sát và có nhiều bài phân tích về pháp lý trong vụ Vũ “nhôm”, nhà hoạt động-nghiên cứu luật Phạm Lê Vương Các, viết trên Facebook cá nhân rằng:
Dù là quyết định trục xuất, nhưng cách làm của Singapore cho thấy họ đang “dẫn độ” ông Vũ về lại Việt Nam. Điều này là hoàn toàn trái với Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa các quốc gia Asean, theo điểm a khoản 1 điều 2 Hiệp định nêu rõ: "Không áp dụng bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó."
Các chuyên gia pháp lý đều cho rằng xuyên suốt quá trình từ lúc ông Phan Văn Anh Vũ bị truy nã cho tới ngày bị bắt, mỗi diễn tiến đều chứa đầy những câu hỏi mà người dân không có nhiều hy vọng tìm được câu trả lời công khai. Chẳng hạn tại sao ông Vũ không có mặt tại nhà vào thời điểm công an đến khám xét và bắt giữ, như lời LS. Thành, rằng “Thường thường, những vụ này thì họ [Bộ Công an] rất bí mật, nhưng không hiểu sao những người kia lại biết được và trốn đi?”.
Tại sao ông Vũ có thể tẩu tán tài sản ra khỏi Việt Nam?
Rồi vì sao ông Vũ đến Singapore cả tuần lễ mà lại không đi tiếp sang quốc gia thứ ba, mà theo lời một luật sư đại diện cho ông nói là Đức?
LS. Khanh cho rằng việc Singapore sát ngày trục xuất mới cho luật sư đại diện gặp ông Vũ, và ngay vào thời điểm chót này, cũng không cho phía luật sư và ông Vũ biết về quyết định trục xuất, theo cho thấy có những vấn đề đằng sau mà có thể công chúng sẽ không bao giờ được biết đến.
“Ông ấy có passport của đảo quốc Entiguan, vậy tại sao ông ấy không rời khỏi đảo quốc Singapore, tức là có một vấn đề gì đó mà họ đã cầm chân ông ấy cho tới giờ chót”, LS. Khanh nhận định.
Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các nhận định trên Facebook cá nhân:
“Việc Vũ ‘nhôm’ bị Singapore trục xuất về lại Việt Nam vào chiều ngày hôm nay 4/1, cho thấy các chuẩn mực pháp lý phải tiếp tục lùi bước trước các thương thảo chính trị, thường xảy ra khá phổ biến tại các quốc gia Asean có nhiều khiếm khuyết về nhân quyền”.
... có những quy định của Singapore, nhưng có lẽ vì tính ngoại giao nên người ta có thể bỏ qua và dẫn độ ông Vũ nhôm về Việt Nam...LS. Nguyễn Khả Thành
Bất kể những dự đoán khác nhau về số phận Vũ “nhôm” sau khi bị bắt về Việt Nam, dư luận các phía đều tỏ ra “vui” với diễn tiến mới này, mặc dù không ít người tiếc nuối những kịch tích chính trị có thể xảy ra nếu như ông Phan Văn Anh Vũ không bị trục xuất theo kiểu “dẫn độ” về nước.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp được người dân gọi là “mafia Đà Nẵng”, bị nhà chức trách Việt Nam truy nã về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Dư luận cho rằng ông Vũ nắm trong tay nhiều bí mật liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng đã trốn sang Đức và bị bắt cóc về Việt Nam vài tháng trước.
Trong tuyên bố ngày 4/1, Bộ Nội vụ Singapore cho biết Cục Quản lý xuất nhập cảnh (ICA) của nước này đã hoàn tất việc điều tra ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, và ông Vũ đã nhận một “cảnh báo nghiêm khắc” thay vì bị truy tố.
ICA cũng đã hủy bỏ tài liệu thông hành của ông Vũ và trục xuất ông ra khỏi Singapore theo Đạo luật Di trú.
Chiều ngày 4/1, Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo chính thức nói đã “tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ”.