Trân Văn
Thông tin về “lực lượng 47” của Quân đội nhân dân Việt Nam với 10.000 “hạt nhân” thuộc loại “vừa hồng, vừa chuyên” (kiên định về lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao) để “đấu tranh trên không gian mạng”, do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Tổng cục phó Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng Việt Nam tiết lộ ở Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo 2017, diễn ra hôm 25 tháng 12, chắc chắn sẽ trở thành một loại “vạ miệng”.
Dẫu ông Nghĩa khẳng định nhân sự của “lực lượng 47”, hiện diện ở tất cả các đơn vị cơ sở, trên mọi lĩnh vực, mọi miền “đang hoạt động rất tích cực” nhưng tại hội nghị vừa kể, hai Ủy viên Bộ Chính trị - ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư) và ông Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên giáo) – đều gián tiếp thừa nhận, lực lượng tuyên giáo hùng hậu bao gồm 800 cơ quan truyền thông chính thống – đang đi từ thất bại này đến thất bại khác. Ngày hôm sau – 26 tháng 12 – ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông, tái xác nhận, hệ thông truyền thông chính thống đang đối diện với nguy cơ bị mạng xã hội “vượt mặt”.
***
Có một điểm rất đáng chú ý nhưng chẳng rõ ông Vượng, ông Thưởng, ông Nghĩa, ông Bảo,… có bận tâm hay không là thông tin về “lực lượng 47” của Quân đội nhân dân Việt Nam không làm công chúng bất ngờ. Chỉ vài giờ sau khi các viên chức hữu trách trong lĩnh vực tuyên giáo bạch hóa về sự tồn tại của “lực lượng 47”, lập tức có hàng chục ngàn người sử dụng Internet tiếng Việt khẳng định hoặc bày tỏ sự tán thành với những nhận định rằng, “lực lượng 47” chính là nơi sản sinh những bình luận thiếu lý lẽ nhưng thừa… tục tĩu, vốn càng ngày càng nhiều trên Internet.
Ở Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo 2017, ông Trần Quốc Vượng chính thức đề cập đến “sự quan tâm và quyết tâm đầu tư cho đấu tranh trên không gian mạng”.
Trên facebook, những phản ứng kiểu như Tạ Quang Hiệp (Cu em gọi điện thoại hỏi, anh hay viết trên facebook, liệu anh có thuộc “lực lượng 47” không? À, không! Anh chỉ thích đầu đuôi nên “công tác bên 69”) cũng như phản hồi cho những phản ứng này bung ra như nấm. Trong khi nhiều friend của Tạ Quang Hiệp cười ha hả thì cũng có vài người thắc mắc hoặc làm bộ thắc mắc về “nhiệm vụ” của “bên 69”. Thanh Binh Dao – một friend của Tạ Quang Hiệp phải giải thích thay, “nhiệm vụ” của “bên 69” là “chăm sóc hạnh phúc và quản lý dân số”.
Những trang facebook tuy không rõ có phải là thành viên của “lực lượng 47” hay không nhưng tính chất chẳng khác gì “nhiệm vụ” của “lực lượng 47”, thường thiếu cả sự dí dỏm, ý nhị, trí tuệ như vừa kể. Chúng trần trụi, sỗ sàng, tục tằn và phi nhân trong mọi chuyện. Chẳng hạn “Mặt trận thanh niên chống phản động”. Trên những trang dạng này, các facebooker hoặc những thành viên sử dụng rất nhiều tiếng lóng thay cho những câu chửi thề mà một người bình thường sẽ hết sức lúng túng, không biết diễn đạt như thế nào khi muốn tường thuật lại. Giống như nhiều trang facebook khác, “Mặt trận thanh niên chống phản động” cũng bám rất sát thời sự, cũng trào lộng nhưng lối trào lộng dễ làm người ta lo âu về nhân tính. Ví dụ như khi dẫn sự kiện Tòa án TP.HCM vừa phạt tù Đặng Hoàng Thiện và 13 đồng phạm vì “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, hầu hết thành viên của “Mặt trận thanh niên chống phản động” đều không đồng tình với mức án từ 16 năm tù đến 5 năm tù mà Tòa án TP.HCM dành cho 14 bị cáo, họ cho rằng cần “tử hình”. Có thành viên đùa rằng nên thả cả nhóm ngay lập tức từ… tầng 20!
Rõ ràng chẳng phải tự nhiên mà đám đông – đối tượng khiến giới lãnh đạo Đảng CSVN cũng như hệ thống công quyền Việt Nam đau đầu bởi chưa biết làm thế nào thu phục và giữ được sự “tin yêu” – công khai miệt thị, dè bỉu “lực lượng 47”. Hoang Hung dẫn một văn bản chỉ đạo “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng, trong đó, trang blog được viết thành “trang bloger”, facebook được viết thành “facerbook”, kèm nhận định, trình độ của Bộ Chỉ huy chỉ như thế nên các thành viên của “lực lượng 47” “chỉ biết chửi bậy, văng mắm tôm, dầu nhớt trộn c… trên mạng để bảo vệ Đảng”. Đó cũng là lý do có facebooker khen sáng kiến thành lập “lực lượng 47”, sử dụng lực lượng này để “đấu tranh trên không gian mạng” là “ngu lộng lẫy”, facebooker khác thì bảo đó là một sáng kiến… “ngu rực rỡ”!
Đã, đang hoặc sẽ có thêm nhiều lực lượng khác và hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn cá nhân khác được huy động để tham gia “đấu tranh trên không gian mạng”.
Có thể do rất nhiều facebooker bỡn cợt về yếu tố “47” được gán cho lực lượng tham gia “đấu tranh trên không gian mạng” của Quân đội nhân dân Việt Nam, kể cả so sánh với con heo – cũng là 47 – khi chơi… số đề, nên ngày 28 tháng 12, ai đó đã vội vàng lập một trang “facebook” cho “lực lượng 47”, giải thích, sở dĩ tên của lực lượng tham gia “đấu tranh trên không gian mạng” do Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập là “47” vì được thành lập theo “chỉ thị 47”. Tính cho đến cuối ngày 28 tháng 12, trang facebook “lực lượng 47” có tất cả 5 status. Dù nhân lực được khẳng định là tới 10.000 người nhưng trang facebook “lực lượng 47” chỉ có 5 người chọn like và 6 người theo dõi.
Trong năm status vừa kể có một giới thiệu bài thơ không tên, tính chất giống như “tuyên ngôn” của “lực lượng 47”. Bài thơ có rất nhiều điểm đặc biệt. Tuy vừa thề, vừa kêu gọi mọi người bảo vệ Đảng CSVN, bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chống các thế lực thù địch, phản động nước ngoài vì “Nước non này nếu hỏng lấy chi thay” nhưng tác giả vẫn cương quyết chọn “Henry” làm… tên chứ không chọn một cái tên thuần Việt. Có nhiều dấu hiệu cho thấy dù Henry Nguyễn đã “vận công” đến mức tối đa song nội lực có hạn, thành ra thơ – tuyên ngôn mới có những câu kiểu như: “Hỡi các chị, các mày xông lên thẳng”… Đó cũng là lý do trong thơ chỉ có “thượng liu”, cố tìm cũng không thấy thượng lưu. Hình như bởi tác giả quán triệt “tang hoang” chứ không chấp nhận tan hoang!
***
Ở Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo 2017, ông Trần Quốc Vượng chính thức đề cập đến “sự quan tâm và quyết tâm đầu tư cho đấu tranh trên không gian mạng”. Nói cách khác, giới lãnh đạo Đảng CSVN và hệ thống công quyền Việt Nam chưa hài lòng với con số 10.000 thành viên của “lực lượng 47” thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Đã, đang hoặc sẽ có thêm nhiều lực lượng khác và hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn cá nhân khác được huy động để tham gia “đấu tranh trên không gian mạng”.
Vấn đề là giống như trước nay, những lực lượng này sẽ giải thích thế nào, tác động đến dư luận và hướng dẫn nhận thức quần chúng ra sao khi cả Đảng lẫn hệ thống công quyền không thể lách ngang, đứng sang một bên như những đối tượng hoàn toàn vô can trước tình trạng nợ nần gia tăng, kinh tế suy thoái, xã hội đảo điên và đồng tiền khuynh loát mọi thứ, kể cả công lý, đạo lý? Tham gia thảo luận về “lực lượng 47” trên facebook của Xuân Sơn Võ, Nhung Nguyen nêu thắc mắc: Thanh giả tự thanh. Tại sao phải làm như vậy? Theo Nhung Nguyen, chỉ có những kẻ làm chuyện xấu, chuyện ác mới sợ thiên hạ bàn luận, phanh phui. Tương tự, Hoàng Đình Hiền khẳng định: Nếu mình ngay thẳng, trong sáng thì mắc mớ gì mà sợ ‘chúng’ chửi. ‘Chúng’ có lý cớ gì để nói. Ngược lại, tổ chức tuyên truyền, đấu tranh chỉ tốn tiền của dân mà thôi.
Một vấn đề khác, quan trọng không kém mà ông Vượng, ông Thưởng, ông Nghĩa, ông Bảo,… cũng như nhiều ông khác cố tình gạt bỏ là tâm tư, nhận thức của từng thành viên trong những lực lượng được sử dụng nhằm “đấu tranh trên không gian mạng”. Theo Mạnh Kim, khi cùng phải gánh chịu những ảnh hưởng khủng khiếp của vô số thảm trạng như bất công, lạm quyền, tham nhũng, môi trường sống ô nhiễm,… liệu thành viên trong những lực lượng được sử dụng nhằm “đấu tranh trên không gian mạng” có an tâm, hài lòng với thực tại của mình, tương lai của con cái? Chắc chắn họ không đủ giàu để thoát khỏi những bất an thường nhật và không đủ tiền để tìm đường định cư ở ngoại quốc. Như nhiều người dân khác, họ đang phải trải qua thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử của quốc gia này. Như nhiều người dân khác, họ cũng đang cùng ngồi trên một con tàu đang chìm…
Trong bối cảnh ấy, 800 cơ quan truyền thông và những lực lượng thiếu danh tính, diện mạo tham gia “đấu tranh trên không gian mạng” sẽ công vào đâu, thủ kiểu nào?