Đảng Cộng sản Việt Nam vừa khai trừ cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, người bị công an tỉnh Thái Bình bắt giữ khẩn cấp vào tháng trước để điều tra về tội “cưỡng đoạt tài sản”, vì cho rằng ông đã “vi phạm Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước”.
Truyền thông Việt Nam hôm 20/12 đồng loạt đưa tin về quyết định khai trừ khỏi Đảng ông Nhưỡng, được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra tại kỳ họp thứ 34 vừa kết thúc cùng ngày. Ông Nhưỡng là phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi bị bắt.
Ngoài việc “vi phạm Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước”, ông Nhưỡng còn bị UBKTTƯ cho là đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi,” theo Dân Trí. Trong quyết định được tờ báo này trích dẫn, cơ quan kiểm tra và giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng vi phạm của ông Nhưỡng đã “ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước.”
Ông Nhưỡng, người từng có những ý kiến trực ngôn khi phát biểu tại nghị trường chất vấn những hoạt động của các bộ ngành như Tư Pháp và Công an, bị bắt giam hôm 14/11. Công an tỉnh Thái Bình lúc đó ra lệnh khởi tố ông về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự, trong vụ án liên quan đến Phạm Minh Cường, còn được gọi là Cường “quắt”, người bị cáo buộc đã dùng thủ đoạn phi pháp để ép buộc các doanh nghiệp khai thác cát ven biển ở Thái Bình phải chấp nhận sự bảo kê của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA ngay sau khi ông Nhưỡng bị bắt vào giữa tháng trước, nhà báo kiêm blogger Nguyễn Hữu Vinh đã nhận định rằng ông Nhưỡng sẽ bị đổi hoặc cáo buộc thêm tội danh nặng hơn.
Cũng đưa tin về quyết định của UBKTTƯ, Tuổi Trẻ cho biết Ủy ban này nhận thấy ông Nhưỡng, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ 2016 đến 2021, đã “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’.”
Cơ quan của Đảng cho rằng ông Nhưỡng đã vi phạm những điều Đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ được giao, theo Tuổi Trẻ.
UBKTTƯ không cho biết vì sao ông Nhưỡng, người cũng thường lên tiếng cho các dân oan ở Việt Nam, vi phạm “Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước” và vị cựu đại biểu Quốc hội này đã ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ như thế nào.
Khai trừ khỏi Đảng là một động thái thường được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đối với những quan chức sắp bị khởi tố và đưa ra xét xử vì bị cáo buộc với tội danh nào đó.
‘Không có vùng cấm’
Cũng tại cuộc họp của UBKTTƯ kết thúc hôm 20/12, cơ quan này xác định vi phạm của hàng loạt cán bộ cao cấp, trong đó có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, theo truyền thông trong nước.
Đưa tin về việc này, VnExpress cho biết ông Tuấn Anh, ủy viên Bộ Chính trị và từng là Bộ trưởng Bộ Công thương, và ông Dũng cùng nhiều cán bộ cấp cao khác bị xác định trách nhiệm trong các vi phạm liên quan đến điện gió và cung ứng xăng dầu.
Cơ quan kiểm tra Trung ương cho biết ông Tuấn Anh và Ban cán sự Đảng của Bộ Công thương “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,” theo VnExpress.
Các vi phạm này, theo tờ báo, xảy ra trong “công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió” và “tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu”. Trong số các vi phạm khác xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông Tuấn Anh và ban cán sự Đảng Bộ Công thương được VnExpress trích dẫn, có việc “lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.”
AIC là công ty từng do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch. Nữ doanh nhân, được cho là từng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng mua vũ khí giữa Israel và Việt Nam, bị công an Việt Nam truy nã quốc tế và bị đưa ra xét xử vắng mặt hồi tháng 10 trong vụ án tham nhũng liên quan đến đấu thầu thiết bị y tế tại một bệnh viện ở Quảng Ninh thời ông Phạm Minh Chính, hiện là thủ tướng Việt Nam, làm bí thư tỉnh ủy tỉnh này.
Còn ông Dũng và Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị UBKTTƯ cho là vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, theo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, tờ báo này không cho biết những vi phạm đó là gì.
Theo UBKTTƯ, các vi phạm của các lãnh đạo kể trên gây ra “nguy cơ thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội” và khiến “dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.”
Cũng trong ngày 20/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang dẫn dắt chiến dịch “đốt lò”, nói rằng công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đang tiến triển tốt. Phát biểu tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, người đứng đầu Đảng Cộng sản được Lao Động trích lời nói rằng Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã phối hợp có hiệu quả để khởi tố và điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân mà từ trước tới nay chưa xử lý được.
Ông Trọng cho biết công an đang tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 các vụ đại án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… Theo Lao Động, ông Trọng cho biết đã xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu theo tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai.”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã phải từ chức vì những trách nhiệm liên quan đến các vi phạm của cấp dưới trong hai vụ đại án tham nhũng khi tổ chức chuyến bay giải cứu cho người Việt hồi hương giữa đại dịch COVID-19 và nâng khống giá kít xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Diễn đàn