Vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa có thêm sáu bị can nữa (1). Lần này có hai trong sáu bị can là công an (ông Trần Văn Dự - cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh và ông Vũ Sỹ Cường – “nguyên cán bộ” của Cục Quản lý xuất nhập cảnh).
Giống như lần trước (4/2022), khi công an khởi tố thêm ba bị can dính đến vụ án vừa đề cập, các bị can dính líu đến ngành công an (Vũ Anh Tuấn – bị bắt cách nay ba tháng, Vũ Sỹ Cường – mới bị bắt) đều không có cấp bậc và chức vụ cụ thể, chỉ ghi chung chung “nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC)”, riêng ông Trần Văn Dự - nhân vật mà vai vế vốn thuộc loại... “dễ dầu gì giấu diếm” cho nên Bộ Công an mới chiu... “chú thích” về chức vụ là “cựu Cục phó Cục Quản lý XNC” nhưng không nêu cấp bậc (Đại tá).
Cứ đối chiếu các thông tin liên quan đến khởi tố, tống giam những cá nhân đã hoặc vừa trở thành bị can của vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ thấy điều đó khác hoàn toàn với những bị can ngoài ngành công an: Công an công bố đầy đủ chức vụ, nơi làm việc của từng người, dù họ chỉ là “chuyên viên”, chẳng hạn như bà Nguyễn Mai Anh (Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ), ông Ngô Quang Tuấn (Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giao thông Vận tải).
Trong khi các bị can của vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đều bị khởi tố, tống giam lúc đang tại nhiệm thì chẳng hiểu tại sao, công an Việt Nam – nơi điều tra vụ án – lại... chỉ... phát giác và khởi tố “đồng đội” sau khi họ đã thành... “nguyên”, thành... “cựu”. Rõ ràng, phát giác và khởi tố chậm như thế giúp ngành công an giữ được thể diện, đỡ phải hổ thẹn như ngành ngoại giao, ngành y tế, ngành giao thông vận tải, thậm chí... Văn phòng Chính phủ.
Nếu ngành ngoại giao dẫn đầu vì đóng góp cho vụ án sáu bị can thì ngành công an xếp thứ hai với ba bị can, kế đó mới là các ngành y tế, giao thông – vận tải, Văn phòng Chính phủ nhưng việc tống giam những... “nguyên” và... “cựu” khiến thiên hạ... không để ý đến... “bàn tay lông lá” của ngành công an trong việc kiến tạo các... “chuyến bay giải cứu” và để chúng kéo dài hàng năm, hút của đồng bào hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn Mỹ kim.
Ông Trần Văn Dự trở thành... “cựu Cục phó Cục Quản lý XNC” hồi nào và khi nào thì những ông Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường trở thành... “nguyên cán bộ Cục Quản lý XNC”? Bộ Công an không thèm giải thích nhưng nhìn vào lý do khởi tố các ông này, có thể khẳng định, họ vừa trở thành... “cựu” và... “nguyên” trước khi quyết định khởi tố được công bố. Khi xảy ra vụ án, nếu đã là... “cựu” hay... “nguyên” thì ai thèm “đưa hối lộ” để bị điều tra vì... “nhận hối lộ”?
***
Cách nay ba tháng, khi công bố thêm thông tin về kết quả điều tra vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Tô Ân Xô – Trung tướng, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an – bảo rằng: Một số đối tượng liên quan đến vụ án đã đối phó rất quyết liệt và hoạt động tinh vi (2)...
Lúc ấy, nghe vậy, nhiều người đã bật cười. Nếu chính phủ biết nghe và biết nghĩ, đừng “đối phó” với dịch... “quyết liệt” theo kiểu như đã biết thì làm sao viên chức nhiều ngành có cơ hội kiếm chác từ các... “chuyến bay giải cứu”? Làm sao có thể gọi là... “tinh vi” khi ai cũng nhận thấy chủ trương, chính sách trong việc đưa người Việt hồi hương giữa đại dịch vừa vô lý, vừa bất nhân nhưng chúng vẫn có hiệu lực gần một năm? “Hoạt động” phạm tội... “tinh vi” hay... bất động, dứt khoát không làm gì cả mới là... “tinh vi”?
Nếu cuộc điều tra chỉ chạm đến Thứ trưởng Ngoại giao bởi dù sao cũng đã chọn được một số đối tượng để buộc phải chịu trách nhiệm nhằm giúp dân chúng hạ hỏa thì đó có phải là... “tinh vi” không? Rồi vừa điều tra, vừa phủi trách nhiệm liên đới bằng việc biến một số cá nhân thành... “cựu” hay... “nguyên” có... “tinh vi” không?
Ở Hội nghị toàn quốc Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13, bà Trương Thị Mai – Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng – vừa đề cập đến chuyện: Tổ chức cơ sở đảng ở đâu bị kỷ luật, phải thay cấp ủy ở đó (3). Đảng ủy một số bộ đã bị kỷ luật vì dung dưỡng, không ngăn chặn một số viên chức cao cấp trong bộ vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng điều này sẽ không xảy ra với Đảng ủy Công an Trung ương vì tội phạm luôn là... “cựu” và... “nguyên”. Nếu sắp tới, ý tưởng“tổ chức cơ sở đảng ở đâu bị kỷ luật, phải thay cấp ủy ở đó” thành hiện thực, Đảng ủy Công an Trung ương cũng chẳng cần phải lo vì đã có giải pháp đặc hiệu – hóa giải trách nhiệm. Chẳng lẽ như thế không... “tinh vi”?
Chú thích
Diễn đàn