Hai máy bay ném bom B-1B của Không lực Mỹ hôm 21/7 cất cánh từ đảo Guam bay về phía Biển Đông. Hai máy bay phản lực này bay thấp qua tàu sân bay USS Ronald Reagan và các chiến hạm hộ tống vốn đang hoạt động gần đó trong vùng Biển Philippines, theo hình ảnh được quân đội Mỹ công bố.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ tăng cường thách thức của chính quyền Trump đối với Đảng Cộng sản đương quyền tại Trung Quốc và đối với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết hải lộ chiến lược quan trọng này.
Trong khi các giới chức cao cấp của ông Trump phát động một chiến dịch ngoại giao và công kích nhắm vào Bắc Kinh, Bộ Quốc Phòng Mỹ đang vận dụng hỏa lực của máy bay ném bom tầm xa được vũ trang đầy đủ trong lúc tìm cách chống lại nỗ lực của Bắc Kinh muốn kiểm soát các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.
Kể từ cuối tháng 1, máy bay ném bom B-1B và B-52 của Mỹ, thường hoạt động từng đôi một, đã bay 20 chuyến qua các hải lộ quan trọng trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản, theo các tuyên bố của Không lực Mỹ và các giới chức giữ nhiệm vụ truyền thông,
Những phi vụ này, các nhà phân tích quân sự nói, dùng để gởi một tín hiêu rõ ràng: Hoa Kỳ có thể đe dọa hạm đội Trung Quốc và những mục tiêu trên đất liền bất cứ thời điểm nào, từ các căn cứ xa xôi, không cần phải điều động các tàu sân bay và những chiến hạm đắt tiền khác trong tầm bắn của kho phi đạn to lớn của Bắc Kinh.
Để đáp ứng với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, Ngũ Giác Đài đã phối hợp một số vũ khí xưa cũ nhất với một số loại tân tiến nhất: Máy bay ném bom thời Chiến tranh Lạnh và phi đạn tàng hình tiên tiến nhất. Máy bay siêu âm B1-B đi vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1986; máy bay mới nhất trong loại B-52 được chế tạo dưới chính quyền Kennedy. Tuy nhiên những loại máy bay này có thể mang theo một số lượng khổng lồ vũ khí chính xác.
Một máy bay B-1B có thể mang theo 27 phi đạn tàng hình tầm xa mới chống chiến hạm, được đưa vào sử dụng vào năm 2018 và có thể tấn công các mục tiêu trong vòng 600 km, theo các giới chức Mỹ và Phương Tây.
Các chiến lược gia quân sự Phương Tây cảnh báo là xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân có thể khó chế ngự.
Trong một vụ xung đột với Trung Quốc, đáp ứng nhanh chóng từ lực lượng máy bay ném bom có thể là thiết yếu trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh vội vã tăng cường hải quân đến Thái Bình Dương để đẩy mạnh hạm đội Mỹ trú đóng tại vùng này vốn có số lượng vượt trội hơn Trung Quốc, theo đánh giá của các sĩ quan quân đội Mỹ và Phương Tây hiện tại chức hay đã về hưu.
Một nữ phát ngôn viên của Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, Đại úy Veronica Perez, nói Không lực Mỹ đã gia tăng công bố nhiệm vụ của các máy bay ném bom để trấn an đồng minh và đối tác về cam kết của Washington đối với an ninh toàn cầu, ổn định khu vực, và một vùng Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Dù sự thường xuyên và phạm vi những hoạt động của chúng ta thay đổi căn cứ trên môi trường hoạt động hiện hành, Mỹ có sự hiện diện quân sự bền vững và hoạt động thường xuyên trong vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà nói.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đáp yêu cầu bình luận.