Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 cá nhân đang đảm trách những vai trò quan trọng mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) từng bỏ phiếu bầu chọn. Theo đó, không ai rơi vào trường hợp “có thể xin từ chức” vì bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là... “thấp” (1).
Việc bỏ phiếu tín nhiệm như vừa kể là một phần trong hoạt động của Kỳ họp thứ sáu (23/10/2023 - 10/11/2023). Nếu chịu khó đối chiếu với các nhận định của chính những ĐBQH khóa này tại Kỳ họp thứ 5 (22/5/2023 - 10/6/2023 và 19/6/2023 - 24/6/2023) thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã lập được... “kỳ tích”.
Vì sao cách nay bốn tháng, các ĐBQH còn đồng loạt cảnh báo về tình trạng “né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm” đã trở thành “bệnh” và “đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ” dẫn tới “ách tắc, cản trở sự phát triển của đất nước” (2) mà nay, chính họ lại xác nhận, không có bất kỳ ai trong số những người vừa được họ xem xét để bày tỏ mức độ “tín nhiệm” phải chịu trách nhiệm về tình trạng khiến cả họ lẫn dân chúng trăn trở? Nếu mục tiêu của bỏ phiếu tín nhiệm không nhằm biểu thị nhận định khách quan, chính xác về tư cách - năng lực - hiệu quả công việc của những cá nhân được giao giữ - thực thi trọng trách, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của những lĩnh vực đang do các cá nhân ấy chịu trách nhiệm trên bình diện vĩ mô thì tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì khi song song với các tuyên bố, qui định về tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm còn... đính kèm “giải pháp dự phòng” - nếu bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là “thấp” thì... “có thể xin từ chức”?
Khi “từ chức” phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của những cá nhân bị hơn 50% ĐBQH xác định rằng họ không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) thì bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Vì sao đến cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ mới được bày tỏ nhận định về hiệu quả công việc của các đương sự do họ bầu chọn thông qua bỏ phiếu tín nhiệm nhưng khi có hơn 50% ĐBQH cho rằng không thể tín nhiệm thì hoặc phải chờ đượng sự tự nguyện tự xử, hoặc phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có trình Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm lại hay không? Vì sao bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định “nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước” mà không thể bãi nhiệm một cá nhân bị 2/3 ĐBQH xác định không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) và phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” (3)?
Ai cũng biết, Bộ Chính trị và BCH TƯ đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cho Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nếu Quốc hội có thực quyền thì tại sao phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” một cá nhân mà các ĐBQH thấy không đáng tin cậy? Về lý thuyết, các ĐBQH đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân nhưng Quốc hội chỉ được bầu hoặc phê chuẩn những cá nhân đã được đảng lựa chọn và giới thiệu và bãi nhiệm cũng phải chờ đảng muốn “trình” mới được gật thì việc bày tỏ mức độ “tín nhiệm” của ĐBQH có đáng tín nhiệm không?
***
Đây là lần thứ tư Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân thuộc diện phải được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (ba đợt trước diễn ra vào các năm 2013, 2014, 2018). Bởi Quốc hội chỉ được bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm những cá nhân đã được đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu hoặc quyết định loại bỏ, không dùng nữa nên mới có chuyện sau khi bầu và phê chuẩn xong, Quốc hội lại tiếp tục tổ chức hàng loạt “kỳ họp bất thường” để “thống nhất miễn nhiệm” hai Phó Thủ tướng là các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam rồi “thống nhất miễn nhiệm” Chủ tịch Nhà nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam còn “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long. “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh,... Trong lịch sử nhân loại, khó mà tìm thấy cơ quan nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân lại đồng thuận cao, thống nhất gần như tuyệt đối trong việc gật và lắc như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, bất kể chuyện cùng gật và cùng lắc ấy có tạo được sự đồng thuận cao và thống nhất với dân chúng hay không!
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/cong-bo-ket-qua-tin-nhiem-44-chuc-danh-lanh-dao-cap-cao-4668892.html
(2) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76476
Diễn đàn