Tại Điện Élysée vào ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp và hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, người nói trước báo giới rằng ông muốn nâng cấp quan hệ Pháp-Việt ‘lên tầm cao mới’, theo ghi nhận của VOA.
Pháp hiện là một trong những nước Việt Nam có quan hệ ở mức ‘đối tác chiến lược’, thấp hơn một cấp so với mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’ mà Hà Nội hiện đang có với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Úc.
‘Cần nâng cấp quan hệ’
Thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm về các chủ đề quốc phòng và an ninh.
Tại buổi họp báo trước khi bước vào hội đàm, ông Macron nói rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Pháp và Việt Nam cùng theo đuổi kim chỉ nam chung là luật pháp quốc tế, cho dù đó là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khủng hoảng Trung Đông hay tranh chấp trên Biển Đông.
Về phần mình, ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam quan ngại về tình hình Ukraine, Trung Đông cũng như Biển Đông và nói rằng Hà Nội sẵn sàng làm việc cùng với Paris để tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột này ở cấp độ khu vực cũng như quốc tế.
Ông Macron nói rằng trong lúc Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, kể từ giờ cho đến cuối năm, Cơ quan Phát triển Pháp sẽ phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa lưới điện của nước này.
Về kinh tế, ông Macron đánh giá hai nước có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, cơ sở hạ tầng, nông nnghiệp và năng lượng. “Chúng tôi cũng muốn cùng nhau tăng cường năng lực sáng tạo bằng cách tạo ra sự liên kết giữa hai hệ sinh thái của chúng ta,” ông Macron nói tại buổi họp báo.
Ông Tô Lâm cho rằng sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm trở thành đối tác chiến lược, quan hệ Việt-Pháp đã chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực. “Nước Pháp luôn là lựa chọn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam,” ông nói.
Để đáp ứng nhu cầu mối quan hệ đang phát triển cũng như để phản ứng trước những thách thức khu vực và toàn cầu, ‘hơn lúc nào hết hai nước cần phải nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới’, ông Tô Lâm nói trước báo giới và cho biết ông cùng ông Macron sẽ bàn về vấn đề này tại cuộc hội đàm.
Các lĩnh vực mà hai nước sẽ tăng cường hợp tác, theo ông Lâm, sẽ là quốc phòng và an ninh, kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Ký kết hợp tác
Tại buổi họp báo, hai vị nguyên thủ cũng đã chứng kiến các văn kiện hợp tác giữa Bộ giáo dục hai nước và hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay giữa VietJet Air của Việt Nam và các tập đoàn CFM, Safran của Pháp.
Trước khi đến Điện Élysée, ông Lâm đã được nước chủ nhà tổ chức lễ đón chính thức tại Điện Invalides, nơi tổ chức những nghi thức quan trọng của Nhà nước Pháp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Sau lễ đón, ông Lâm đã đến chào Chủ tịch Quốc hội Pháp, tức Hạ viện, bà Yael Braun-Pivet, tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Nguyễn Hải Nam.
Ngoài ra, theo lịch làm việc, ông Tô Lâm cũng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và đến thăm trụ sở UNESCO ở Paris.
Sau Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã đến thăm thành phố cảng Le Havre nằm trên bờ biển Manche, một trong những cửa ngõ quan trọng trong thương mại đường biển thế giới, và đã được Thị trưởng Edouard Philippe, vốn từng là thủ tướng Pháp, tiếp đón.
Ông Edouard Philippe, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội cảng biển quốc tế, hứa sẽ hỗ trợ kết nối cảng Việt Nam với hệ thống cảng thế giới, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Nhân dịp này, hai ông Lâm và Philippe đã nhấn mạnh Biển Đông là huyết mạch vận tải hàng hoá của thế giới và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở vùng biển này, cũng theo hãng tin nhà nước Việt Nam.
Bên lề chuyến thăm, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đã nói với Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng rằng Pháp với kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết.
Nhân dịp đến thăm Pháp để dự hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Cũng giống như chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam hồi cuối tháng trước, có khoảng 100 người gốc Việt từ nhiều quốc gia ở châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…đã đến Paris để biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tô Lâm, theo tìm hiểu của VOA. Tới tối ngày 7/10, phía Việt Nam chưa lên tiếng về các cuộc biểu tình này.
Diễn đàn