Hôm 3/8 Cơ quan hải giám Malaysia (MMEA) đã bắt giữ hai tàu đánh cá Việt Nam và 38 thuyền viên trên tàu vì đánh cá ở vùng biển Sabah ngoài khơi Malaysia mà giấy phép không rõ ràng.
Theo trang The Malay Mail Online, Đô đốc Adam Aziz, Giám đốc khu vực Kota Kinabalu của MMEA, nói rằng hai chiếc thuyền đã bị bắt giữ vào thứ Ba 1/8 vào lúc khoảng 8 giờ 40 phút sáng khi cơ quan này tuần tra thường lệ cách đảo Pulau Mengalum tám hải lý.
Ông nói: "Các nhân viên KM Banggi đã phát hiện hai tàu đánh cá - SBF 30 và SBF 31 - và khi kiểm tra thì thấy những điểm đáng ngờ trong giấy phép của họ, và đã bắt giữ tất cả 38 thuyền viên Việt Nam, tuổi từ 18 đến 46."
Các giấy phép này được cho là không hợp lệ, hoặc là giả mạo.
Ông Aziz nói trong một tuyên bố: "Trong quá trình kiểm tra, các thuyền viên thậm chí đã đưa hối lộ 3.400 nhân dân tệ cho cảnh sát để được thả ra."
Tuy nhiên, theo tờ New Straits Times, cảnh sát Malaysia không nhận tiền hối lộ của các thuyền viên Việt Nam.
Sau khi kiểm tra kỹ hơn, cảnh sát cũng tìm thấy 1.800 kg cá, 195,5 kg trai và 110kg sò và các loại hải sản khác, cùng với các thiết bị đánh bắt cá trên thuyền.
Hai chiếc thuyền đã được đưa tới bãi tàu của cơ quan MMEA ở Vịnh Sepanggar để tiếp tục điều tra về giấy phép và hành vi đưa hối lộ theo luật của Malaysia.
Ngư dân Malaysia ngày càng bị bất bình với việc tàu cá nước ngoài vào đáng bắt trái phép trong vùng biển của họ.
Người dân địa phương cũng đổ lỗi cho ngư dân nước ngoài đã làm họ thất thu đến 50%, và tố cáo ngư dân lậu sử dụng các phương pháp khai thác mang tính phá hoại và bất hợp pháp cũng như việc đẩy giá bán lẻ thủy sản lên cao.
Người ta ước tính có khoảng 30 đến 40 thuyền đánh cá của Việt Nam được cấp phép và khoảng 20 đến 30 tàu đánh cá bất hợp pháp hoặc đáng ngờ đánh bắt trong vùng biển Sabah giàu thủy hải sản.
Các hiệp hội nghề cá và phe đối lập đã kêu gọi chính phủ liên bang ngừng cấp giấy phép cho các công ty đánh cá nước ngoài cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm kiềm chế việc đánh cá trái phép.