Đường dẫn truy cập

Ủy ban Nhân quyền Malaysia cứu xét vụ đàn áp người Hồi giáo Shia


Thủ tướng Malaysia Najib Razak (người thứ 2 từ phải) gặp dân chúng sau lễ cầu kinh thứ Sáu tại đền thờ Putra bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (người thứ 2 từ phải) gặp dân chúng sau lễ cầu kinh thứ Sáu tại đền thờ Putra bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur

Ủy ban Nhân quyền Malaysia cho biết họ sẽ xem xét các báo cáo nói rằng 200 người Hồi giáo Shia đã bị bắt trong tháng này. Hồi giáo Shia bị cấm hoạt động ở Malaysia.

Ủy ban Nhân quyền Malaysia từ chối yêu cầu phỏng vấn của đài VOA về vụ bắt giữ 200 người Hồi giáo Shia mới đây. Nhưng chủ tịch Ủy ban này nói Ủy ban đang cứu xét vụ việc này.

Chuyên gia phân tích chính trị Johan Saravanamuttu thuộc Viện Nghiên cứu Đông nam Á ở Singapore, nói rằng cuộc điều tra được tiến hành để đáp lại một khiếu nại của cộng đồng Hồi giáo Shia:

“Chính người Shia, mà đa số là người Malaysia, đã phản đối với Ủy ban Nhân quyền Malaysia, là một cơ quan có thẩm quyền được chính phủ thành lập. Ủy ban này chỉ có vai trò tham vấn. Họ đã nêu ra vụ việc này. Khoảng 30 người đã đi gặp một trong các ủy viên, và ủy ban đã đồng ý trình vụ việc lên chính phủ.”

Chính phủ Malaysia coi giáo phái Shia là bất hợp pháp. Chính phủ chỉ cho phép người Hồi giáo được hành đạo theo hệ phái Sunni. Người Hồi giáo chiếm gần 2 phần ba dân số của quốc gia Đông Nam Á này.

Mặc dù các tôn giáo khác, như các hệ phái đạo Cơ Đốc, Ấn giáo và Phật giáo được cho phép hoạt động tại Malaysia, chính phủ coi hệ phái Shia của đạo Hồi là một giáo phái bất thường của đạo Hồi.

Ông Saravanamuttu nói Bộ Phát triển Hồi giáo ở Malaysia trước đây đã từng trấn át Shia và các hệ phái không phải là Sunni của đạo Hồi và được luật pháp ban cho quyền làm như thế.

“Đạo Hồi là quốc giáo, hay nói đúng hơn đạo Hồi là tôn giáo của liên bang, vì thế mà trong bối cảnh chính trị Malaysia, tôn giáo này có vị trí đặc lợi và được hiến pháp thừa nhận.”

Các cơ quan truyền thông Malaysia đã phỏng đoán rằng những vụ bắt giữ có thể nằm trong khuôn khổ một chiến dịch chống khủng bố nhắm vào các nhóm Hồi giáo chủ chiến. Nhưng ông Saravanamuttu không đặt nặng giả thuyết này bởi vì vấn đề có liên quan đến các giới hữu trách tôn giáo, chứ không phải cảnh sát.

Theo ông, vụ trấn át mới nhất có thể được khích động bởi những hành vi thờ phượng công khai của người Shia.

Xung đột tôn giáo ở Malaysia đang ngày càng gia tăng. Trước đây trong năm một vụ tranh chấp pháp lý về việc liệu người không phải là Hồi giáo có được sử dụng từ “Allah” hay không đã châm ngòi cho những vụ tấn công vào các nhà thờ và một ngôi đền của người Sikh.

Trong khi chính phủ cố gắng quảng bá cho Malaysia là một nước Hồi giáo ôn hòa, ông Saravanamuttu nói rằng các giới chức tôn giáo bảo thủ vẫn đua nhau thực thi việc diễn dịch đạo Hồi một cách khắt khe, và quyền lực của họ ngày càng gia tăng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG