Đường dẫn truy cập

Mạng xã hội Lotus ‘hướng đến nội dung tích cực’ – nhiệm vụ bất khả thi?


Một người dùng mở ứng dụng mạng xã hội Lotus, Hà Nội, ngày 17 tháng 9, 2019
Một người dùng mở ứng dụng mạng xã hội Lotus, Hà Nội, ngày 17 tháng 9, 2019

Mạng xã hội mới của Việt Nam mang tên Lotus mới được VCCorp, hãng chủ sở hữu, cho ra mắt hôm 16/9, với tuyên bố mạng này sẽ “hướng tới sự tích cực” và “chỉ tạo ra những điều tích cực”. Nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam tỏ ý hoài nghi về khả năng thành công của Lotus trong nỗ lực đó.

Báo Tin Tức, Tuổi Trẻ và một số báo khác dẫn lại phát biểu của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, tại lễ ra mắt Lotus rằng hãng của ông “cố gắng” xây dựng mạng xã hội này với mục đích “đem đến cảm giác hạnh phúc và cảm xúc tốt”.

Vị tổng giám đốc giải thích rằng trong 10 năm trở lại đây, thông tin trên mạng xã hội mà ông đọc được “không đem đến cho ông cảm giác thoải mái, thỏa mãn”, và nhấn mạnh mạng xã hội mới Lotus sẽ “hướng tới sự tích cực nên chỉ tạo ra những điều tích cực”.

Theo các bản tin, VCCorp xây dựng Lotus với khoản vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, trọng đó có vốn góp của các doanh nghiệp và cá nhân khác ở Việt Nam.

Trang web của VCCorp cho hay công ty này thành lập năm 2006 và hiện đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và nội dung số ở trong nước, bao gồm cả việc sở hữu đơn vị quảng cáo trực tuyến lớn nhất hiện nay với độ phủ tới trên 50 triệu độc giả, tương đương 90% người dùng Internet và mobile tại Việt Nam.

Sự ra đời của Lotus thu hút nhiều thảo luận trên mạng xã hội Facebook, hiện là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam với khoảng 60 triệu tài khoản, tương đương hơn 57% dân số.

Facebooker Nguyễn Tuấn Anh, người lâu nay có nhiều ý kiến phản biện về các vấn đề chính trị xã hội, bày tỏ ý kiến: “Ai cũng muốn những điều tốt đẹp, chính xác. Nhưng, toàn tốt đẹp thì lại không phải xã hội, toàn chính xác thì lại mất đi khả năng phân tích, tư duy”.

Theo ông Tuấn Anh, mạng xã hội phải tạo nên một cuộc sống ảo “gần nhất với đời thực, thuận tiện hơn đời thực”. Ông nhận định rằng “một thuật toán chỉ để hướng tới những điều tốt đẹp là bất khả thi” và nhấn mạnh thêm rằng “xã hội đời thực không vận hành kiểu ấy. Nó hoàn toàn phi thực tế”.

Một Facebooker khác có nhiều người theo dõi, ông Nguyễn Tiến Tường, cảnh báo “cái khó nhất của bất cứ sản phẩm đi sau nào là thay đổi thói quen người dùng”, trong khi đó, hiện số lượng người Việt có thói quen dùng Facebook đang cực kỳ đông đảo.

Để cạnh tranh thành công với Facebook, mạng xã hội mới của Việt Nam cần “bạch hoá thông tin và cởi mở về chính trị hơn”, theo ông Tường, nhưng trong bối cảnh thực tiễn hiện nay “điều đó là không tưởng”, ông viết trên trang cá nhân.

“Người dùng khách quan không bị cưỡng bách chính trị luôn hướng tới sản phẩm ưu việt hơn chứ không bao giờ tin vào những tuyên ngôn hùng hồn”, ông Tường đưa ra ý kiến.

Ông Dương Quốc Chính, một cây viết phản biện khác cũng được nhiều người biết đến trên Facebook, nêu ra sự băn khoăn về tính bảo mật của mạng Lotus. Ông Chính đặt các câu hỏi: “Nếu bạn dùng mạng xã hội của Việt Nam hay dùng email của nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, liệu bạn có tin chắc là không bị đọc trộm tin nhắn, email?”

Facebooker này chỉ ra rằng có một số bài báo chính thống quảng bá cho Lotus, ca ngợi các chức năng của mạng xã hội mới này, nhưng không thấy nhắc đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Ông Chính nhấn mạnh “vấn đề bảo mật phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đó chính là yếu tố sống còn của mạng xã hội”.

Trong bối cảnh Việt Nam đã thực thi Luật An ninh Mạng bị nhiều tổ chức quốc tế xem là không bảo đảm tự do trên internet, ông Chính đưa ra nhận định cá nhận rằng VCCorp, hãng mẹ của Lotus, sẽ “không thể cam kết đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng, nhất là bảo mật với cơ quan an ninh”.

So sánh với Facebook, ông Chính cho rằng mạng xã hội của Mỹ “không phải là hoàn hảo” song vẫn “an toàn hơn mạng xã hội Việt Nam nhiều”. Theo ông, Luật An ninh Mạng của Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát được Facebook.

Trên Diễn đàn Nhà báo Trẻ có nền tảng Facebook, cũng đã diễn ra một cuộc thảo luận sôi nổi về Lotus, trong đó đa số hoài nghi về khả năng mạng xã hội mới này lôi kéo được nhiều người tham gia. Một số ý kiến cho rằng a định hướng của mạng xã hội nhấn mạnh vào nội dụng dường như “không phù hợp với số đông”, chỉ phù hợp với các nhà sản xuất nội dung.

Thành viên có tên Dang Cong so sánh rằng Facebook có định hướng là “kết nối mọi người” nên mạng xã hội của Mỹ này “mới phát triển cộng đồng nhanh và mạnh như hiện tại”. Vẫn thành viên này bình luận thêm rằng Lotus của Việt Nam “có yếu tố chính trị” nên nhiều khả năng là mạng xã hội này “sẽ rất khó giữ chân người dùng”.

Trong khi đó, nói với báo chí, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, chia sẻ rằng số tiền đầu tư 1.200 tỉ đồng sẽ giúp Lotus duy trì hoạt động được khoảng 2 đến 3 năm nếu không có doanh thu.

Ông Tân đặt ra kỳ vọng mạng này sẽ thu hút được có 3 đến 4 triệu người sử dụng ngay trong năm đầu tiên. Con số này mang lại doanh thu một năm “được một vài trăm tỉ” và ông Tân cho rằng điều đó là “trong tầm tay”.

Ông cho biết thêm rằng đạt được 3 đến 4 triệu người sử dụng thường xuyên cũng đồng nghĩa là “chắc chắn đạt được hòa vốn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG