Đường dẫn truy cập

Mẹ Nấm tuyệt thực vì bị bạn tù đe dọa


Blogger Mẹ Nấm vẽ biểu tượng con cá trên mặt để đòi quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được biết các thông tin minh bạch sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa.
Blogger Mẹ Nấm vẽ biểu tượng con cá trên mặt để đòi quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được biết các thông tin minh bạch sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa.

Trong cuộc gọi điện thoại bất ngờ về nhà cho mẹ vào sáng 6/7, blogger Mẹ Nấm tuyên bố bắt đầu tuyệt thực cho đến khi nào trại giam giải quyết việc cô liên tục bị bạn tù đe dọa đến mức phải cầu xin mẹ “hàng tháng thăm con để biết sinh mạng con còn hay đã mất”.

Trả lời VOA vào tối cùng ngày, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho biết: “Khoảng 8 giờ kém 5, tôi nghe Quỳnh gọi về thông báo nhanh trong vòng hơn 4 phút rằng ‘Mẹ, con gọi cho mẹ xong là con không ăn uống gì nữa. Con sẽ tuyệt thực cho đến khi nào mọi việc được giải quyết’”.

Đây là lần thứ 3 blogger Mẹ Nấm phải dùng đến biện pháp tuyệt thực để phản đối các điều kiện giam giữ, mà theo các tổ chức nhân quyền quốc tế là “ngược đãi”, trong các nhà tù tại Việt Nam.

Blogger Mẹ Nấm hiện đang bị giam giữ tại trại 5 ở Thanh Hóa. Trong lần đi thăm con gần nhất vào ngày 26/6, bà Tuyết Lan cho biết con gái bà đã cầu xin “hàng tháng mẹ phải thăm con” vì lo sợ cho tính mạng của mình trước tình trạng liên tục bị một nữ bạn tù hăm dọa, chửi bới, lăng nhục bằng những lời lẽ “thô tục” và “kinh khủng”.

“Trong hai người bị giam cùng phòng thì có một người luôn khiêu khích như vậy”, bà Tuyết Lan nói.

“Hôm 26/6 Quỳnh nói là bị chửi bới kinh khủng lắm. Quỳnh nói nó không dám nói chuyện với ai, chỉ im lặng ở trong phòng. Có 3 người ở thì có 1 cô luôn trách móc Quỳnh là chị làm như vậy là ảnh hưởng tới sinh hoạt thi đua gì đó”.

Theo lời bà Tuyết Lan, ngoài hai người bạn tù cùng phòng, blogger Mẹ Nấm còn bị một nữ tù nhân khác chạy sang phòng biệt giam của cô để chửi bới, đe dọa.

“Quỳnh nói hiện giờ khu vực của con vẫn là khu vực biệt giam. Nhưng có một cô ở chỗ khác vẫn chạy qua đứng trước phòng con buông lời đe dọa. Cô đó tên là Liên, biệt hiệu Liên Híp (hoặc Hiếp). Thường thường, khu vực của Quỳnh là không được ai đi vào trước buồng giam, nhưng cô này lại đi thẳng vào trước buồng giam. Công an, cai tù dặn rằng khi có sự xuất hiện của công an thì phải mặc quần dài, áo tay dài vô, nhưng riêng cô này vẫn mặc quần đùi, áo ba lỗ chạy qua khu vực này. Vi phạm như vậy nhưng chẳng ai nói gì”.

Mẹ của blogger từng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình gần đây nói rằng con gái mình đã bị “tra tấn tinh thần cả ngày lẫn đêm” đến mức “quá giới hạn chịu đựng” sau khi các yêu cầu của cô đối với cán bộ trại giam đã không được đoái hoài tới.

“Bị cúp điện, ổ khóa mở không được, cứ liên tục bị như vậy. Trước đó, Quỳnh có gặp 3 người giám thị để trình bày nhưng tình trạng không hề thay đổi mà còn có vẻ gia tăng”, bà Tuyết Lan cho biết.

Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) đầu tuần này ra thông cáo lên án mạnh mẽ tình trạng “ngược đãi” blogger Mẹ Nấm tại nhà tù Thanh Hóa.

“Nhà chức trách Việt Nam phải dừng ngay lập tức việc cố ý tra tấn tâm lý nhà báo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”, đại diện của CPJ tại Đông Nam Á của CPJ, Shawn Crispin, nói.

“Chừng nào Quỳnh vẫn còn ở sau song sắt thì thế giới vẫn sẽ xem Việt Nam là một quốc gia lạm dụng các quyền cơ bản của con người một cách không thể chấp nhận”, ông Shawn Crispin nói thêm.

Blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 hồi năm ngoái.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã thu thập thông tin về các trường hợp người dân bị chết trong khi làm việc với công an và làm thành tài liệu “Stop police killing civilians” (“Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường”), đã tham gia với các cá nhân khác kêu gọi người dân tham gia chiến dịch “Vận động nhân quyền”, “công khai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản”, “xuyên tạc tình hình trong nước” trên báo đài quốc tế, tàng trữ tập thơ “Bài thơ một vần” của tác giả Bùi Chát, CD nhạc có bài hát “Viết về ngư dân Việt Nam” của nhạc sĩ Tuấn Khanh”.

Ngoài các giải thưởng về nhân quyền từ các tổ chức quốc tế, tháng 3 năm ngoái, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà Melania Trump, trao giải “Phụ nữ can đảm”. Cô cũng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm 2018 vào đầu tháng trước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG