Gia đình ông Eek Than sống trong một ngôi làng xa xôi miền bắc tỉnh Kratie, Kampuchia hơn 3 thế hệ nay.
Khi các con đập xuất hiện tại Trung Quốc cũng như tại những nhánh sông trên thượng lưu, ông ghi nhận có nhiều thay đổi.
Ông Ek Than nói: “Trong quá khứ có rất nhiều cá, hiện nay ngay cả khi chúng tôi sử dụng 10 bẫy cá cũng khó bắt được cá.”
Gia đình ông Than sống về phía bắc một đập thủy điện được dự trù xây dựng, tại quận Sambor. Đây là con đập đầu tiên của Kampuchia trên dòng chính của sông Mekong - và là một trong 12 con đập được dự trù dọc theo 3.000 kilômét đường sông.
Hầu hết việc xây dựng những con đập này được đình chỉ vì có những quan ngại về môi trường, tuy nhiên chính phủ đang hăm hở muốn xây dựng những nhà máy thủy điện để phát triển kinh tế.
Xa hơn trên thượng lưu, việc xây dựng con đập đầu tiên của Lào tại tỉnh Xayaburi được tiếp tục.
Một giới chức điện lực Lào, Ông Viraponh Viravong nói dự án thiết yếu cho vùng này, dù có những lo ngại về ảnh hưởng đối với con sông.
Ông Viravong nói: “Giống như hạt nhân, một số quốc gia muốn ngưng lại, một số quốc gia vẫn muốn tiến hành. Và dự án này, theo tôi nghĩ cũng nằm trong tình trạng tương tự.”
Các nhà phân tách môi trường lên tiếng chống đối đập Xayaburi và một số con đập được đề nghị khác. Bà Ame Trandem thuộc tổ chức Các con sông Quốc tế nói:
“Tất cả những bằng chứng có được đến nay cho thấy không nên xây đập . Làm như vậy sẽ hoàn toàn làm thiệt hại và hủy hoại nghề cá trên sông Mekong.”
Tại tỉnh Sambo, vợ ông Ek Than giải thích sông Mekong cung cấp lương thực cho gia đình và cho nông trại của bà như thế nào. Nước sông Mêkông nuôi sống đồng lúa, nuôi sống cả làng.
Gia đình ông Ek Than tiếp tục sống không có điện. Nhưng không mấy tin tưởng vào những lợi ích trong việc khai thác sức mạnh của sông Mekong.
Bà Nutt Hem, một dân làng nói:
“Tôi lo ngại, tôi không biết phải dời đi đâu một khi làng chúng tôi bị ngập nước. Điều này thật là khốn khổ.”
Với con đập còn lâu mới hoàn tất, gia đình ông Ek Than phải đối mặt với một tương lai bất trắc trong nhiều năm.