Kế hoạch được đề nghị cho việc xây dựng Đập Xayaburi với công suất 1.260 megawatt tại Bắc Lào đang gặp phải những tranh cãi mới sau khi báo chí Thái Lan đưa tin công tác xây dựng sơ khởi đã bắt đầu từ lâu trước khi Ủy Ban Sông Mekong chính thức loan báo là đã giải quyết xong mọi trở ngại.
Ủy Ban, với các đại biểu của Kampuchea, Lào, Thái Lan và Việt Nam, sẽ phải đưa ra phúc trình cuối cùng vào ngày thứ Ba về việc có nên tiến hành xây dựng dự án đập thủy điện trị giá 3,5 tỉ đô la hay không.
Hồi năm 2007, Thái Lan và Lào đã thỏa thuận là 95% số điện sản xuất từ đập thủy điện này sẽ được bán cho Thái Lan, để đổi lại việc Thái Lan cung cấp các công ty xây dựng và nguồn tài trợ cho dự án này.
Đập Xayaburi là con đập đầu tiên trong hệ thống Sông Mekong đòi hỏi sự chấp thuận của các chính phủ. Nhưng tin tức báo chí Thái Lan hồi cuối tuần đăng tải những hình ảnh xây dựng sơ khởi tại địa điểm con đập ở Bắc Lào đã bắt đầu từ nhiều tuần lễ trước đây.
Tin của truyền thông đã gây tức giận cho các nhà hoạt động môi trường và các khoa học gia. Những người này muốn có thêm các cuộc khảo cứu khoa học về ảnh hưởng của các con đập trong hệ thống Sông Mekong.
Nhà vận động cho vấn đề Sông Mekong, Ame Trandem, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường có tên là Các Con Sông Quốc Tế nói rằng tiến trình thẩm định đang đòi hoãn lại công tác xây dựng trên con sông chính.
Ông nói: “Tác động nguy hại của con đập này lớn hơn nhiều so với những lợi ích, và đây là vấn đề. Phúc trình về việc thẩm định môi trường mang tính chiến lược do Ủy Ban Sông Mekong đưa ra chỉ ba tuần lễ sau khi tiến trình xây đập Xayaburi khởi sự. Phúc trình này đã đưa ra khuyến cáo quan trọng là tất cả mọi quyết định về những con đập trên dòng sông chính phải được hoãn lại trong khoảng thời gian 10 năm bởi vì tác động của nó sẽ rất lớn.
Các nhà hoạt động môi trường nói rằng, đập Xayaburi sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái và dòng chảy của Sông Mekong. Các giới chức chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của con đập này đối với việc trồng lúa trong vùng đồng bằng sông Mekong. Sơ khởi sẽ có hơn 2.000 người bị buộc phải tái định cư với khoảng hơn 200.000 người nữa phải chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Tin tức báo chí cũng cho biết các nông dân Lào nghèo khó sẽ chỉ được các công ty xây dựng Thái Lan bồi thường một số tiền nhỏ là 15 đô la.
Ông Painporn Deetes thuộc tổ chức Các Con Sông Quốc Tế nói rằng, số tiền bồi thường nhỏ này là do các công ty xây dựng Thái Lan không ý thức đầy đủ được tác động của con đập này đối với các cộng đồng địa phương.
Ông nói: “Bồi thường cho những người này như thế nào cũng như những nông dân sống trong đồng bằng sông Mekong như thế nào khi đất ruộng của họ bị nước biển tràn vào, làm sao để quy tụ tất cả những người này lại với nhau và nói lên tiếng nói của họ để mọi người nghe thấy? Bởi vì tiến trình đưa ra quyết định không phải chỉ dành cho một số ít người có thế lực ngồi trong phòng lạnh, chẳng biết đến dân tình như thế nào.”
Nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb đã bày tỏ lo ngại trước tin cho rằng chính phủ Lào đã sẵn sàng tiến hành dự án đập Xayaburi. Ông Webb đưa ra một thông cáo nói rằng quyết định này đánh dấu một tiền lệ nguy hiểm gây tổn hại cho môi trường trong vùng.
Có tới 10 con đập khác được đề nghị xây dựng ở vùng hạ lưu sông Mekong, và các nhà hoạt động môi trường cảnh báo là nếu các con đập này được phép xây dựng thì có tới 40 triệu người sẽ bị ảnh hưởng và chuyện này có tác động nguy hại tới tính đa dạng của sinh vật trong khu vực.
Giới hoạt động bảo vệ môi trường trong khu vực và các khoa học gia tức giận trước tin một công ty Thái Lan khởi sự công tác sơ khởi tại địa điểm xây dựng một con đập cho nhà máy thủy điện ở Bắc Lào, trước khi các quốc gia dọc theo Sông Mekong chính thức cho phép tiến hành dự án. Trong tuần này, Ủy Ban Sông Mekong có trụ sở ở Vientiane sẽ đưa ra một loan báo chính thức về dự án giữa lúc có sự phản đối mạnh mẽ của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1