Đường dẫn truy cập

Miến Điện hy vọng xuất khẩu lại hàng dệt may sang Mỹ


Một nhà máy dệt may tại Miến Điện.
Một nhà máy dệt may tại Miến Điện.
Trước khi Hoa Kỳ áp đặt cấm vận lên Miến Điện, hơn phân nửa hàng dệt may của Miến Điện được xuất khẩu sang Mỹ. Bây giờ thì cấm vận đã được nới lỏng, các công ty Miến Điện hy vọng ngành dệt may của họ sẽ sống lại. Nhưng các chuyên viên trong ngành nói rằng vì Mỹ có những chuẩn mực về lao động và an toàn, quy trình hồi sinh có lẽ phải từ từ.

Lần đầu tiên ông Aung Win có dịp trở lại nhà máy của ông kể từ khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ buộc nhà máy ông phải đóng cửa cách nay một chục năm.
Ông Aung Win cũng là phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Miến Điện. Trước đây nhà máy của ông sản xuất áo ngắn tay có cổ hoặc quần áo đan thêu để bán cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ khổng lồ của Mỹ như Kmart hoặc Walmart.

Nhưng khi đơn đặt hàng từ Mỹ ngưng, ông nói hơn phân nửa trong số 300 nhà máy dệt may của Miến Điện phải giải nghệ, hàng vạn người thất nghiệp:

“Số lượng đơn đặt hàng của chúng tôi trong mấy năm vừa qua thì thấp nhưng kiểu dáng lại nhiều. Do đó, mọi người đều chờ đơn đặt hàng từ Mỹ bởi vì có số lượng lớn, các nhà máy có thể kiếm ăn được.”

Những nhà máy còn hoạt động phần lớn xuất sang Nhật Bản hoặc Nam Triều Tiên.
Nhờ vậy, ngành dệt may vẫn còn thoi thóp, nhưng nhiều người nhìn nhận rằng cách làm ăn của các nhà cung cấp của Miến Điện có thể sẽ không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ.

Park Choong Youl, chủ công ty World Apparel nói rằng nếu thị trường Mỹ trở lại, mọi người sẽ có cơ hội:

“Nếu Hoa Kỳ tháo bỏ cấm vận Miến Điện, trình độ của các nhà máy dệt may Miến Điện sẽ được nâng cấp. Tôi mong nhận được đơn đặt hàng từ Mỹ càng sớm càng tốt. Chủ nhân của các công ty khác cũng muốn Mỹ bỏ cấm vận nay mai để họ có thể đáp ứng các đơn đặt hàng từ Mỹ.”

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Miến Điện, ông Aung Win nói rằng muốn đạt các chuẩn mực của Mỹ cũng phải mất một năm, và tốn kém.

Phải mua máy phát điện tốn tiền để giải quyết chuyện cắt điện thường xuyên, và phải mua nguyên vật liệu từ Trung Quốc, những thứ đó sẽ làm những công ty nhỏ giống như công ty Princess Power khó xoay sở.

Tun Tun, giám đốc công ty Princess Power nói rằng ông muốn thu hút đầu tư của Mỹ, học hỏi cách quản lý và công nghệ của Mỹ, nhưng trước hết, các công ty Miến Điện phải đáp ứng các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an sinh, và lao động:

“Nếu chúng tôi đáp ứng được thì người Mỹ sẽ đặt hàng. Nhưng chúng tôi chỉ mới bắt đầu thay đổi. Chỉ một số ít đáp ứng được các chuẩn mực của các nhà đầu tư Mỹ, một số trong chúng tôi chưa sẵn sàng, nhưng trước sau gì cũng phải thay đổi.”

Ông Machut Shishak, Tham tán Kinh tế tại đại sứ quán Mỹ ở Rangoon nghĩ rằng các doanh nghiệp Mỹ cũng cần các công ty dệt may Miến Điện:

“Lý do là vì các công ty Mỹ muốn đa dạng hóa các nguồn sản xuất, ngoài những nước như Trung Quốc hoặc Campuchia, để tránh tùy thuộc vào một nước duy nhất nào. Hơn nữa, Miến Điện cũng có những lợi điểm mặc dù vẫn còn những thách thức.”

Các nhà sản xuất hàng dệt may Miến Điện nói rằng một khi các công ty Mỹ vào, họ còn một số quan tâm khác, ví dụ như phải tăng lương cho công nhân, hoặc phải cạnh tranh để có công nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG