Đường dẫn truy cập

Vụ Mobifone: thách thức Nguyễn Phú Trọng, chạy tội Nguyễn Tấn Dũng?


Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch nước đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, được mệnh danh “Người đốt lò” với tuyên bố chống tham nhũng nổi tiếng, “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Cũng vị này không dưới một lần khẳng định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", bất kể người đó là ai” trong cuộc chiến chống quốc nạn này ở Việt Nam. Việc ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, các Tướng, Thứ trưởng Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, cựu phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh… và hàng chục cán bộ cao cấp của Đảng cộng sản và chính quyền bị bãi chức rồi bị điệu ra tòa về các tội tham nhũng trong thời gian qua là những minh họa sinh động.

Thế nhưng, vụ xử sơ thẩm Nguyễn Bắc Son và các đồng phạm tham nhũng trong vụ Tổng công ty viễn thông Mobifone (gọi tắt Mobifone) mua cổ phần Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (gọi tắt AVG) vừa kết thúc tại Tòa án Hà Nội, nơi chỉ cách tổng hành dinh của “Người đốt lò” không đầy hai ki - lô - mét, lại đe dọa chôn vùi các tuyên bố trên của ông. Thực vậy, đã có những nỗ lực chạy tội cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó Tòa án giữ vai trò then chốt.

Tài sản của Nhà nước bị đục khoét trong thương vụ xảy ra vào tháng 12 năm 2015 tròm trèm 6500 tỷ đồng (280 triệu USD), một kỷ lục tham nhũng! Vụ “con voi chui lọt lỗ kim” này tự động đưa đến nhận định Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng thời kỳ đó, là “trùm” vụ cướp ngày lịch sử này. Cần nhắc lại rằng chính nhân vật này đã bị Bộ chính trị và đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng CSVN khóa 11 kỷ luật do gắn với các vụ tham nhũng khủng ở Vinashin, Vinalines… và ở các tập đoàn kinh doanh, tổng công ty Nhà nước khác do y lập ra (1). Thế nhưng thể chế quyền lực nhất Việt Nam này bị tha hóa đến cực độ đã “tha bổng” Nguyễn Tấn Dũng, khiến Tổng bí thư Trọng đã phải khóc nấc.

Vậy các cơ quan tiến hành tố tụng chạy tội cho cựu Thủ tướng Dũng như thế nào.

Theo Cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2), Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông (gọi tắt Bộ TTTT), chỉ đạo Tổng công ty viễn thông Mobifone (gọi tắt Mobifone) Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone (gọi tắt Dự án) theo đó công ty này đầu tư 8.900 tỷ đồng mua 95% cổ phần của AVG được định giá vống. Điều 31 Luật số 67/2014/QH13 (Luật đầu tư) quy định Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, ngày 28/10/2015, Nguyễn Bắc Son ký Văn bản số 209/BTTTT-QLDN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chức năng và kinh nghiệm đánh giá về giá mua, hiệu quả đầu tư của Dự án, xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (kèm theo Báo cáo đánh giá Dự án của Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn). Bộ TTTT cũng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an văn bản xin ý kiến về Dự án.

Ngày 14/12/2015, Văn phòng Chính phủ gửi Bộ TTTT Văn bản số 2678 (do phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà ký) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật” (3). Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 721 ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính có Văn bản số 1095 ngày 18/12/2015 và Bộ Công an có Văn bản số 2889 ngày 21/12/2015 tán thành Dự án gửi Bộ TTTT. Trên cơ sở các văn bản này, ngày 21/12/2015, theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông Mobifone (gọi tắt Quyết định 236).

Vẫn theo Cáo trạng, việc Bộ TTTT ban hành Quyết định số 236 khi Dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật số 67/2014/QH13, Điều 20 Luật số 69/2014/QH13 là vi phạm luật. Do đó, việc Nguyễn Bắc Son chỉ đạo Chủ tịch và Tổng giám đốc Mobifone là Lê Nam Trà và Cao Duy Hải căn cứ Quyết định số 236 để ký hợp đồng mua cổ phần của AVG và trả tiền cho công ty này là trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước tại Mobifone 6.590 tỷ đồng. Sau khi thương vụ được hoàn tất, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã hối lộ Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500 nghìn USD và Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD.

Tóm lại, Cáo trạng rập khuôn toàn bộ Bản kết luận điều tra số 73/C03-P14 ngày 31/8/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, theo đó Nguyễn Bắc Son là “chủ mưu” của thương vụ đại tham nhũng này. Diễn biến tại phiên tòa cho thấy không chỉ công tố viên mà cả thẩm phán nỗ lực theo hướng quy tội này.

Nguyễn Bắc Son phản bác cáo buộc “chủ mưu”, khai việc mình bút phê chỉ đạo cấp dưới ký quyết định phê duyệt và thực hiện Dự án là “theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” tại Văn bản số 2678 của Văn phòng Chính phủ. Ngay lập tức, Thẩm phán Trương Việt Toàn gay gắt với Son: "Bị cáo nên nhớ vai trò của bị cáo là bộ trưởng. Đã là bộ trưởng thì không thể nhầm lẫn về những cái mang tính tối thiểu như vậy. Không thể coi thông báo là một quyết định, không thể thiếu quyết định mà vẫn yêu cầu ông Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án" (4). Phản ứng lắt léo này của thẩm phán họ Trương có thể diễn dịch như sau: Son sẽ không phải là “chủ mưu” nếu Thủ tướng có chỉ đạo và sự chỉ đạo này phải được thể hiện bằng quyết định chủ trương đầu tư; Thông báo (Văn bản số 2678 của VPCP) không phải là quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng đồng nghĩa Thủ tướng không có chỉ đạo; vậy Son là “chủ mưu”.

Rõ ràng “tam đoạn luận” này của thẩm phán họ Trương là nằm trong hiệp đồng chạy tội cho Nguyễn Tấn Dũng. Thực vậy, Son có là “chủ mưu” thì cấp trên này của Son mới “vô can”. Việc không một cơ quan tiến hành tố tụng nào phân tích công dụng của Văn bản số 2678 của Văn phòng Chính phủ cũng như việc không một cơ quan báo chí, truyền thông nào của Viện kiểm sát, Tòa án và Công an đưa tin về lời khai nói trên của Son, điều tương phản tuyệt đối với báo chí còn lại, là bằng chứng nữa về mưu toan chạy tội này.

Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng dùng chiêu “một nửa sự thật” khi chỉ viện dẫn Luật số 67/2014/QH13 mà không viện dẫn Nghị định ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.

Điểm b Khoản 2 Điều 71 Nghị định quy định: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện luật pháp, chính sách về đầu tư; phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt quy hoạch; quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; quyết định hoặc cho phép thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình điều hành, quản lý hoạt động đầu tư vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương”. Như vậy, Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện chức năng “chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình điều hành, quản lý hoạt động đầu tư vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương” của Thủ tướng khi chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần của AVG và giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án này tại Công văn số 2678 của Văn phòng Chính phủ. Điều này có nghĩa Nguyễn Tấn Dũng không thể cùng một lúc thực hiện chức năng “quyết định chủ trương đầu tư” của Thủ tướng, hiểu theo nghĩa ra quyết định bằng văn bản.

Để cho hết nhẽ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không còn chỗ để ra quyết định phê duyệt Dự án Mobifone mua AVG nếu trước đó Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Đơn giản là một quyết định như vậy của Thủ tướng đã bao gồm tất cả các nội dung cốt lõi của Dự án. Hãy lấy Quyết định chủ trương đầu tư dự án của các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn vay vốn quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) ngày 17/8/2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để làm bằng.

Quyết định này của Thủ tướng Phúc được ban hành trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gồm các nội dung chủ yếu sau: tên dự án, cơ quan chủ quản (UBND các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn), địa điểm thực hiện, thời gian thực hiện, hạn mức vốn, mục tiêu và kết quả chủ yếu của các dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, trách nhiệm của Bộ Tài chính… Để nói rằng hoàn toàn vô lý lập luận của các cơ quan tiến hành tố tung, đặc biệt của thẩm phán Trương Việt Toàn, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định số 236 phê duyệt Dự án Mobifone mua AVG khi chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.

Một lập luận khác mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để buộc tội “chủ mưu” cho Nguyễn Bắc Son là viện dẫn Điều 20 Luật số 69/2014/QH13 (Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp). Khoản 1 Điều này quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp có tiêu chí tương đương với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo quy định của Luật đầu tư công”. Nghĩa là Son đã tiếm quyền Thủ tướng khi chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt Mobifone để mua AVG. Thế nhưng một lần nữa các cơ quan tư pháp chạy tội cho Nguyễn Tấn Dũng “khôn mà không ngoan” vì Điều 20 lại dẫn tới Điều 21 mà quy định này lại “giải oan” cho Son.

Điều luật này quy định: “Đối với việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này, cơ quan đại diện chủ sở hữu trình phương án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Như trên đã đề cập, chính Cáo trạng đã xác định ngày 28/10/2015 Nguyễn Bắc Son đã gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo đánh giá Dự án của Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn và trên cơ sở đó kiến nghị “xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Vì Báo cáo đánh giá Dự án của Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn là “phương án đầu tư” nên Văn bản số 2678 của Văn phòng Chính phủ chính là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư vốn của Mobifone để mua AVG như quy định tại Điều 20 Luật số 69/2014/QH13. Việc Nguyễn Bắc Son chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 phê duyệt Dự án vì vậy là bước thực hiện quyết định đầu tư này của Nguyễn Tấn Dũng mà thôi. Tóm lại, Văn bản số 2678 của Văn phòng Chính phủ đã thể hiện rõ vai trò của Nguyễn Tấn Dũng là “người chỉ đạo” hay “chủ mưu” thương vụ đại tham nhũng này.

Nguyễn Tấn Dũng thừa biết nếu tuân thủ Điều 31 Luật số 67/2014/QH13, tức Dũng phải ra quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì thương vụ Mobifone mua AVG sẽ không bao giờ thành. Thực vậy, để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng. Với một quy trình và nội dung thẩm định chặt chẽ được quy định tại Khoản 6 Điều 33 của Luật này, chắc chắn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bác bỏ Dự án. Do đó, Nguyễn Tấn Dũng đã “lách” Luật số 67/2014/QH13 với Văn bản số 2678 của Văn phòng Chính phủ để thực hiện cho bằng được thương vụ Mobifone - AVG.

Việc cựu Thủ tướng Dũng là “chủ mưu” cú cướp ngày tài sản Nhà nước này còn được xác định qua sự ủng hộ đồng loạt và nhiệt tình bất bình thường các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Công an đối với Dự án. Thực vậy, ngày 24/11/2019, chỉ 12 ngày sau khi phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà ký văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham gia ý kiến về Dự án Mobifone mua AVG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã ra văn bản ủng hộ. Về phần mình, Bộ Công an bằng văn bản số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015 đưa thương vụ này dù không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước vào danh mục tài liệu mật của Bộ Thông tin và Truyền thông mà trớ trêu thay Bộ này đến lúc đó vẫn chưa có. Tiếp đó vẫn Bộ Công an, dù không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, đã có Văn bản số 2889/BCA-A61 ngày 21.12.2015 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án của Bộ này.

Cuối cùng, Viện kiểm sát đã từ chối tranh luận với Luật sư Phạm Công Hùng, người bào chữa cho Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình, về việc ai là “chủ mưu” của thương vụ Mobifone – AVG. “Sáng nay, Viện kiểm sát nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Nguyễn Bắc Son, trong đó có nội dung bị cáo đã nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính về việc để xảy ra sai phạm nghiêm trọng này”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cho biết với lý do này, cơ quan công tố sẽ không tranh luận về vai trò của bị cáo”, báo Thanh niên ngày 28/12/2019 đưa tin (5). Với hành vi này cơ quan giữ quyền công tố đã ngang nhiên xâm phạm quyền tranh luận tại phiên tòa được quy định tại Điều 26 và Khoản 1 Điều 322 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 và điều này cho thấy cơ quan này chạy tội cho cựu Thủ tướng Dũng trắng trợn đến mức nào.

Kết luận lại, chừng nào các cơ quan tiến hành tố tụng còn cố tình bỏ lọt hành vi phạm tội của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách “chủ mưu” trong thương vụ đại tham nhũng Mobifone – AVG như trên đã chứng minh và trong các vụ tham nhũng khủng khác xảy ra tại Vinashin, Vinalines, Tập đoàn dầu khí Việt Nam…thì công cuộc “đốt lò chống tham nhũng” gắn liền với sinh mạng chính trị của Tổng bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ là “trứng để đầu đẳng”.

Chú thích

1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải tán đảng CSVN để độc tài cá nhân, Cù Huy Hà Vũ, VOA tiếng Việt, 11/10/2015.
2. Cáo trạng số 89/CTr-VKSTC-V3 ngày 17/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tói cao (do phó Viện trưởng Nguyễn Văn Quảng ký thay).
3. Công văn số 2678/VPCP-ĐMDN ngày 14/12/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc Đầu tư dự án truyền hình của Mobifone do Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà (con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh) ký.
4. Bị cáo vụ AVG khai mắc sai phạm vì 'tin cấp trên', VNExpress, ngày 19/12/2019.
5. Bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi đơn thỉnh cầu gì về vai trò chủ mưu? Thanh niên, 23/12/2019


Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.

XS
SM
MD
LG