Cuộc thăm dò được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 12 năm 2010 đối với 1.019 người, được lựa chọn ngẫu nhiên, ở độ tuổi từ 18 trở lên, và đang sinh sống ở lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã giành được số bầu chọn cao nhất với 17% so với tỷ lệ 12% của người về nhì là cựu thống đốc bang Alaska, bà Sara Palin.
Với kết quả này thì đây là năm thứ 9 liên tiếp bà Clinton được bình chọn là người phụ nữ được người Mỹ ngưỡng mộ nhất và là lần thứ 15 trong vòng hai thập niên qua bà dẫn đầu danh sách này.
Bà Clinton, người khi đó đang giữ chức thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đã thất bại trong cuộc chạy đua để được đề cử làm đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2008, nhưng sau đó bà đã chấp nhận vị trí ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống Obama.
Bà Clinton nói rằng quyết định rời Thượng viện để nhận chức vụ ngoại trưởng không phải là một quyết định dễ dàng. Tuy nhiên cuối cùng bà đã quyết định đương đầu với những thử thách mới. Bà nói:
"Tổng thống Kennedy đã từng nói rằng kéo cả thế giới vào cùng đối phó với những đe dọa mà chúng ta đang đối diện, là một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Tôi sẵn sàng cùng với tân Tổng Thống tham gia cuộc phiêu lưu khó khăn và kỳ thú trong thế kỷ 21."
Đa số các nhà phân tích thời cuộc khi đó cho rằng ông Obamba sẽ có lợi thế khi có bà Clinton đứng bên cạnh để làm ngoại trưởng.
Nhà phân tích Norman Ornstein của viện nghiên cứu American Enterprise ở thủ đô Washington là một trong những người có ý nghĩ này.
"Có một Bộ Trưởng Ngoại Giao chẳng những có thể nói thay cho Tổng Thống mà còn được quốc tế biết đến, là một chuyện rất khó. Bà Clinton có cả hai thứ đó."
Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hứa sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại có tính hòa giải hơn.
Nói chuyện với các nhà báo sau khi được bổ nhiệm vào chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao ở Washington, bà Clinton giải thích chính sách đối ngoại của chính quyền Obama sẽ khác biệt như thế nào, so với chính sách đối ngoại của Tổng thống George W. Bush sắp mãn nhiệm vào lúc đó.
"Chúng tôi biết rằng nền an ninh của chúng ta, những giá trị của chúng ta, và các quyền lợi của chúng ta không thể được bảo vệ và thăng tiến chỉ bằng sức mạnh quân sự. Hoặc ngay cả chỉ với người Mỹ không mà thôi. Chúng ta phải theo đuổi một nền ngoại giao mạnh mẽ, sử dụng tất cả các công cụ mà chúng ta có thể tập hợp để xây dựng một tương lai với nhiều đối tác hơn và ít kẻ thù hơn."
Ngoại trưởng Clinton đã đi khắp thế giới để tìm cách hàn gắn những quan hệ bị rạn nứt. Bà cũng cổ vũ cho một chiến lược mới, sử dụng điều mà bà gọi là "quyền lực mềm," theo đó viện trợ phát triển sẽ trở thành trụ cột chính của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ngang hàng với sức mạnh quân sự và ngoại giao.
Về chính sách đối ngoại liên quan tới châu Á, dưới thời của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố quyết tâm đeo đuổi một chính sách giao tiếp sâu rộng và bền vững với châu Á.
Tại cuộc hội nghị các Bộ trưởng ASEAN hồi tháng 7 năm 2010 ở Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố rằng việc giải quyết một cách hòa bình những vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông, là một quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và chính phủ của Tổng thống Obama xem việc giải quyết vụ tranh chấp này là “một ưu tiên ngoại giao hàng đầu.”
Bà Clinton cũng cho biết Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một “tiến trình hợp tác ngoại giao của tất cả các nước đòi chủ quyền để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ mà không sử dụng tới biện pháp cưỡng bức.”
Bà nói: “Hoa Kỳ, giống như các quốc gia khác, có quyền lợi quốc gia về tự do hàng hải, mở cửa những thủy lộ chung tại châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Hoa Kỳ chia xẻ quyền lợi này chẳng những với các quốc gia thành viên ASEAN hoặc các quốc gia tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN; mà còn với các quốc gia có nhu cầu về hàng hải khác và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.”
Vẫn theo lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nước Mỹ là một quốc gia thuộc về Thái Bình Dương và nước Mỹ quyết tâm trở thành đối tác năng động với ASEAN. Sự hợp tác này có nguồn gốc là những lợi ích chung. Hoa Kỳ quyết tâm yểm trợ các nước Đông Nam Á để các nước này giữ được sự vững mạnh và sự độc lập. Hoa Kỳ cũng tin rằng mỗi quốc gia có quyền vui hưởng hòa bình, ổn định, phồn vinh, và tiếp cận với những quyền phổ quát của con người.
Trong danh sách 10 người phụ nữ được người Mỹ ngưỡng mộ nhất năm nay, đặc biệt còn có gương mặt của một người phụ nữ châu Á, đó là lãnh tụ dân chủ đối lập của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi, người được coi là biểu tượng của ước vọng Dân chủ của Miến Điện, có số người Mỹ ngưỡng mộ ngang bằng với số người ngưỡng mộ hai cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Laura Bush và Barbara Bush.
Mặc dù thân phụ là một nhà hoạt động chính trị, nhưng bà đã trải qua hầu hết quãng đời niên thiếu ở nước ngoài và chỉ bắt đầu dính líu đến chính trị vào năm 1988, khi những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại việc cầm quyền của phe quân nhân đã kéo dài gần 3 thập niên bùng phát ở Miến Điện.
Bà đã lãnh đạo Đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ đi đến thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm 1990. Tuy nhiên, phe quân đội cầm quyền đã phớt lờ kết quả này và một năm sau đó, nhà cầm quyền quân nhân đã bắt giữ bà và bà bị quản thúc tại gia mãi cho đến năm 1995.
Bà đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì các nỗ lực mang lại dân chủ cho Miến Điện.
Khi bà được tự do vào năm 2002, dân chúng từ mọi miền đất nước tụ tập rất đông để nghe bà nói chuyện.
Nhưng một năm sau đó, chính quyền lại giam bà, sau khi có một nhóm thân chính phủ tấn công đoàn xe của bà. Chính quyền nói rằng quản thúc tại gia là biện pháp bảo vệ cho bà.
Tiếp sau đó, bà Aung San Suu Kyi lại bị kết tội vi phạm lệnh quản thúc tại gia khi bà cho phép một người đàn ông Mỹ tá túc, người này đã bơi qua hồ tới ngôi nhà bên hồ của bà dù không được mời.
Nhận xét về bà, Thitinan Pongsudhirak, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quốc tế tại trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết:
“Bà là một biểu tượng của Miến Điện, và bà đã chịu gian khổ quá nhiều. Liên minh của bà đã bị phe quân sự cướp quyền lãnh đạo từ 20 năm qua. Đây là một vụ cướp có hệ thống kéo dài suốt 20 năm.”
Sau khi bị giam giữ dưới nhiều hình thức trong phần lớn thời gian trong 20 năm qua, bà Aung San Suu Kyi đã được trả tự do hồi giữa tháng 11 năm 2010 sau cuộc bầu cử ở Miến Điện.
Lên tiếng tán dương lãnh tụ dân chủ Miến Điện sau khi bà được trả tự do ở Rangoon, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi bà Suu Kyi là “anh hùng của tôi” và nói rằng người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình này là một nguồn cảm hứng cho những người tranh đấu cho nhân quyền ở Miến Điện và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Anh David Cameron thì nói rằng bà Aung San Suu Kyi là “một nguồn hứng khởi cho tất cả những người tin tưởng vào tự do ngôn luận, dân chủ, và nhân quyền.”
Trong một bài diễn văn sau khi được phóng thích khỏi lệnh quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi người dân đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của mình và đòi hỏi dân chủ trong quốc gia do quân đội cầm quyền.
Phát biểu ngắn gọn bằng tiếng Miến, bà nói rằng “Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình”.
Còn người phụ nữ được quí vị ngưỡng mộ nhất là ai? Quí vị có thể chia sẻ ý kiến của mình và cùng tham gia bình luận về những người phụ nữ đáng được ngưỡng mộ nhất trên thế giới ở dưới bài viết này. Xin cảm ơn quí vị.