Đường dẫn truy cập

Một chế độ rẻ rúng mạng người


Bà Ðặng Thị Kim Liêng (thứ nhì từ bên trái) đã qua đời sau khi tự thiêu trước UBND tỉnh Bạc Liêu (ảnh: Danlambao)
Bà Ðặng Thị Kim Liêng (thứ nhì từ bên trái) đã qua đời sau khi tự thiêu trước UBND tỉnh Bạc Liêu (ảnh: Danlambao)
Hôm nay 30/8, là đúng một tháng sau cái chết bi thảm của Cụ Đặng Kim Liêng. Sáng sớm ngày 30/7/2012, trước trụ sở tỉnh ủy CS tỉnh Bạc Liêu, một bà cụ tóc bạc tự đổ can dầu vào người rồi châm lửa tự thiêu, áo quần và da bị cháy đen từng mảng, cụ bất tỉnh. Khi xe cấp cứu đưa cụ đến bệnh viện tỉnh gần đó, rồi chuyển cụ lên bệnh viện Chợ Rẫy - Sài Gòn thì cụ tắt thở ở giữa đường.

Cụ Đặng thị Kim Liêng, 64 tuổi, công dân tỉnh Bạc Liêu, là thân mẫu cô Tạ Phong Tần, một chiến sỹ dân chủ can trường, nổi tiếng với blog Công lý và Sự thật, từng cùng Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải và Blogger Phan Thanh Hải - anh Ba Sài Gòn lập nên Câu lạc bộ các Nhà báo Tự do, cả 3 đều đang ở trong nhà tù, chờ sẽ ra tòa vào ngày 7/8/2012 tại Quận I – Sài Gòn. Sau cuộc tự thiêu nói trên, chính quyền hoãn phiên tòa, không đưa ra lý do.

Ngay sau khi Cụ Đặng Thị Kim Liên tắt thở, cô Tạ Khởi Phụng, em gái cô Tạ Phong Tần và em trai Tạ Hòa Phú cùng toàn gia đình đứng ra chăm lo việc tang lễ và an táng cho Mẹ.

Cô Phụng cho các nhà báo và bà con biết rõ lý do tự thiêu của bà Mẹ. Một là đã mấy năm nay, láng giềng của gia đình đã cậy thế thân quen chính quyền lấn chiếm một giải đất của gia đình vốn đã rất chật hẹp, cản trở sinh hoạt gia đình. Cụ đã mang đơn rất nhiều lần đến tận trụ sở chính quyền quận và tỉnh, nhưng không hề có hồi âm. Nỗi buồn lớn hơn là cô Tạ Phong Tần bị bắt giam gần 1 năm, từ tháng 9 năm 2011 mà cụ không được đến thăm. Họ còn dọa dẫm là cô sắp ra tòa và có thể lãnh án hàng chục năm tù vì tội «âm mưu lật đổ chế độ».

Cụ từng nói với con gái út và bà con trong họ hàng gần là cụ chỉ muốn tự thiêu để dùng mạng sống của mình nói lên nỗi oan ức và tận cùng phẫn uất của mình, may ra sẽ có thể mang lại công lý cho vụ án phi lý này, cứu cô con gái yêu và các bạn cô ra khỏi vòng lao lý, thức tỉnh kẻ cầm quyền tàn bạo, báo động cho xã hội về cuộc sống tận cùng oan ức và bế tắc của người dân.

Là một người đàn bà chất phác, ngay thật, ngoan đạo, cụ nói là làm. Cụ đã âm thầm mang can dầu đến trước trụ sở cường quyền và quyên sinh vì «Công lý và Sự thật», như con gái cụ coi là phương châm sống của mình.

Chính quyền trung ương và địa phương đã có thái độ ra sao trước cái chết bi thảm của Cụ Đặng Thị Kim Liêng?

Để so sánh ta hãy xem trước hết bà con ta ở trong nước và công luận quốc tế đã có thái độ ra sao trước sự kiện cương nghị mà bi thảm này của một bà mẹ Việt Nam đáng kính.

Một loạt blog tự do trong nước như Dân làm báo, Anh Ba Sàm, Trí Nhân Média, Dân Luận…lập tức loan tin này từ tối 30/7, trang trọng lập bàn thờ Cụ với Di ảnh màu phóng to đóng khung, có bát hương, hoa quả viếng người đã khuất.

Các chiến sỹ dân chủ từ Hà Nội, Sà iGòn, Đà Nẵng vào ngay Bạc Liêu để viếng và dự lễ an táng Cụ. Đúng ngày 7/8 – ngày toà án từng dự định mở phiên xét xử rồi lại hoãn - anh chị em vẫn tập họp ngay trước Tòa án Quận I Sài Gòn, mặc toàn đồ đen tỏ thái độ đòi tự do ngay cho 3 blogger của Câu Lạc Bộ các Nhà báo Tự do và chia buồn cùng cô Tạ Phong Tần, còn đòi chính quyền cho phép cô về dự lễ an táng mẹ.

Các đài truyền thanh quốc tế tiếng Việt như VOA, BBC, RFI, RFA đều bình luận về cuộc tự thiêu của Cụ Kim Liêng, coi Cụ là nạn nhân bi thảm của bất công xã hội dưới chế độ phi dân chủ coi thường tính mạng và quyền sống của người dân. Các tổ chức nhân quyền quốc tế Amnesty International, Human Rights Watch, Tổ chức Phóng viên không Biên giới từ Paris và Uỷ viên phụ trách Nhân quyền quốc tế của Liên Hợp Quốc từ Thụy Sỹ cũng ra tuyên bố chia buồn sâu sắc với gia đình Cụ Kim Liêng và đòi chính quyền Hànội trả tự do ngay cho 3 bloggers nói trên, đặc biệt là đòi họ phải cho cô Tạ Phong Tần về nhà dự lễ tang mẹ.

Đáng chú ý là Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington DC cùng nữ nghị sỹ Loretta Sanchez từ Quốc Hội Hoa Kỳ đều ra tuyên bố về sự kiện bi thảm này, tỏ rõ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của cụ Kim Liêng và yêu cầu công lý và sự thật phải được làm sáng tỏ, các tuyên bố đều nhấn mạnh các blogger chỉ phát biểu chính kiến và thái độ chính trị của mình phải được tự do ngay. Huống gì tất cả đều là người yêu nước chống mọi hành động bành trướng xâm phạm lãnh thổ nước mình. Họ không hề phạm tội.

Thái độ của chính quyền từ trung ương đến cơ sở ra sao? Họ ngăn cản việc đưa thi hài Cụ Kim Liêng về nhà. Họ bao vây gia đình Cụ suốt mấy ngày đêm, ngăn cản bà con đến viếng thăm, phiền nhiễu mọi người đến phải khai báo lý lịch, ngăn nhiều bà con từ xa vào gặp gia đình. Chính quyền phường quận không một ai đến viếng, chia buồn, mặc dù Cô Tạ Phong Tần vốn là một sỹ quan công an, một cán bộ của địa phương và Cụ Kim Liêng từng đóng góp công sức cho nhiều công tác xã hội. Họ coi đây như là một gia đình thù địch của chính quyền.

Ở trung ương, thái độ của lãnh đạo, của bộ Công an, ban tuyên huấn, báo chí, đài phát thanh còn tệ hơn nữa. Trước cái chết bi thảm của một bà mẹ 64 tuổi, bị dồn nén đến bước đường cùng do bất công của nhà đương quyền, người phát ngôn của bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị lạnh lùng, ráo hoảnh nói chỉ một câu là: «cái chết của bà Liêng đang được điều tra». Chấm hết.

Không một xúc động. Không một lời chia buồn. Thậm chí không một lời tỏ ra tiếc rằng một sự kiện bi thảm đã xảy ra, một mạng người đã mất, không có cách gì cứu vãn nổi. Họ cũng không hé nửa lời về lý do vì sao hoãn phiên tòa và hoãn đến bao giờ. Câm như hến.

Tin từ trại giam cho biết, 4 ngày sau đó, cô Tạ Phong Tần mới biết tin mẹ mình đã qua đời. Cô gào khóc thảm thiết, vang động ra cả vùng xung quanh, yêu cầu được về nhà nhìn thấy mẹ một lần cuối. Nhưng cả hệ thống cầm quyền độc ác mất hết nhân tính, vẫn làm ngơ, giả điếc.

Còn bộ Công an, Cục quản lý trại giam, còn ngành Toà án, còn viện Kiểm sát các cấp, còn hội Liên hiệp phụ nữ…tất cả đều im re, câm như hến, coi như không có gì xảy ra. Và bà phó chủ tịch nước từng huênh hoang sẽ chú ý đến thân phận của người phụ nữ Việt Nam để không ai bị phân biệt đối xử. Cô Tạ Phong Tần là phụ nữ bị đối xử bất công đó, bà cụ Đặng Thị Kim Liêng bị đối xử cực kỳ bất công đó, ý kiến bà phó chủ tịch nước nhận định ra sao? sẽ làm gì để bênh vực họ? hay chỉ nói mép, và quay mặt đi nơi khác?

Tất cả bộ xậu chính quyền đều vô cảm, bất nhân không cho cô Tạ Phong Tần về dự tang mẹ. Người ta có quyền hỏi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay ông thủ tướng Dũng, hay ông Sang chủ tịch nước? Chỉ cần một tiếng nói của một trong những người này là đủ cho cô Tạ Phong Tần về nhìn thấy mặt bà Mẹ kính yêu một lần cuối. Người với người ít ra, bình thường ra là phải thế.

Cả một chế độ chính trị độc đảng tàn bạo với dân, thâm thù các nhà báo, đàn áp các blogger tự do dám nói lên sự thật, coi mạng sống của người dân như cỏ rác, một chế độ vô cảm, bất nhân đến như vậy - trước toàn dân và trước toàn thế giới - đã tự mình đánh rơi hoàn toàn tính chính đáng cầm quyền của mình vậy.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG