Là quốc gia theo đạo Công giáo lớn thứ 5 ở Châu Á với trên 7,2 triệu người (7,21% dân số), Việt Nam đã từng được mệnh danh là “Trưởng nữ” của Giáo hội tại Á Châu.
Thế nhưng Việt Nam và Vatican chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ và chưa có một Đức Giáo Hoàng nào đến thăm Việt Nam trong suốt chiều dài hơn 400 năm truyền giáo.
Tạ ơn Trời, đã có một bước tiến ngoạn mục trong một thời gian ngắn.
Trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về Roma vào ngày 5/9/2023, Khi được hỏi về quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam – Vatican và khả năng về một chuyến thăm Việt Nam, Đức Giáo Hoàng đã nói “Nếu tôi không đi, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi, vì đó là một vùng đất đáng để đến, nơi tôi rất cảm mến”.
Vào ngày 14/12/2023 khi đi thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Toà Tổng Giám Mục (TGM) Huế, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo là đã thay mặt Nhà nước Việt Nam, ký thư mời Đức Giáo Hoàng sang thăm Việt Nam.
Trong buổi tĩnh tâm dành cho Linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài gòn vào ngày 23/1/2024 vừa qua, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã thông báo rằng Đức Thánh Cha đã nhận lời đến thăm Việt Nam “sớm hết sức có thể”.
Như vậy, một sự kiện lịch sử có thể xảy ra.
Thăng trầm theo thời cuộc
Quan hệ Việt Nam – Vatican thăng trầm theo dòng lịch sử.
Theo văn bản tại bức thư khắc bằng chữ Hán trên tấm bạc do Chúa Trịnh Tráng gửi Giáo sỹ Andre Palmeiro vào năm 1627, hiện đang lưu giữ tại thư viện Vatican, thì quan hệ giữa Toà Thánh với Việt Nam đã bắt đầu từ thời Lê Thế Tông (1573-1599) và có khởi đầu tốt đẹp.
Năm 1659, Giáo hoàng Alexandre VI đã ra sắc chỉ “Super Cathedram” thành lập 2 Giáo phận Tông Toà. Đàng Trong kể từ phía Nam Sông Gianh bao gồm 2 nước là Chiêm Thành và Campuchia, Đằng Ngoài ở phía Bắc Sông Gianh gồm cả toàn bộ Miền Bắc VN, Lào và một số vùng thuộc miền nam Trung Quốc.
Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng phát triển theo nhịp hưng thịnh và suy vong của các vương triều, từ tranh chấp Mạc – Lê, Trịnh - Nguyễn phân tranh rồi đến Tây Sơn - Nguyễn Ánh và thông thường có sự tham dự của một số chức sắc tôn giáo và thành viên “hoàng tộc”.
Đặc biệt Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) đã giúp Nguyễn Ánh rất nhiều để đánh được nhà Tây Sơn vào năm 1774, đặt nền móng cho một mối quan hệ tốt đẹp trong những triều vua đầu nhà Nguyễn. Thế nhưng sau đó các mâu thuẫn tiếp tục leo thang và cuối cùng là những chỉ dụ cấm đạo.
Lịch sử ghi nhận 53 Sắc chỉ chính thức do các Chúa (hai dòng họ Trịnh, Nguyễn ở cả Trong Nam và ngoài Bắc), do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Thiên Chúa.
Kết quả là qua các thời kỳ cấm đạo, ước lượng khoảng 130.000 người Việt Nam đã bỏ mình vì đức tin. Trong số đó có 117 vị được Giáo Hội nâng lên hàng hiển thánh tử đạo vào năm 1988.
Hết phong kiến là Pháp thuộc, rồi đất nước chia đôi, Quốc gia - Cộng sản. Kể từ 1975, Toàn bộ Việt Nam trở thành quốc gia XHCN và quan hệ với Vatican vẫn rất lạnh nhạt.
Suốt nhiều năm sau đó, không có quan hệ ngoai giao giữa hai nước. Không một Đức Khâm sứ hay Sứ Thần toà thánh nào hiện diện tại Việt Nam từ 1975 và hai bên vẫn thường có tiếng nói khác biệt trong vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là vụ phong thánh vào năm 1988.
Mưu ích cho tha nhân
Mọi việc thay đổi dần theo thời gian, đặc biệt là kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 6 của Đảng cộng sản Việt Nam và khi nền chính trị thực dụng bắt đầu có ảnh hưởng trên toàn cầu.
Vượt lên trên những khác biệt về học thuyết và chủ nghĩa vô thần hay hữu thần, Việt Nam luôn nói “tất cả vì dân giàu nước mạnh”; Vatican cũng nhất quán khẳng định tất cả là vì “Lợi ích của cộng đồng dân Chúa” và “mưu ích cho tha nhân” (mong muốn lợi ích cho cả người ngoài) trong quan hệ với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhờ thế các cuộc tiếp xúc đã được nối lại suốt gần 30 năm nay và thực sự có được bước đột phá từ vòng họp thứ X của Nhóm Công tác hỗn hợp Vietnam – Vatican khi hai bên thống nhất được quy chế cho một Đại diện thường trú tại của Vatican tại Việt Nam.
Ngày 31/1/2024, Đức Tổng giám Mục Marek, đã đáp chuyến bay từ Singapore đến Hà Nội để bắt đầu nhận nhiệm vụ kể từ ngày 1/2/2024 trong một văn phòng tại khách sạn Pan Pacific, Quận Ba Đình, Hà Nội. Một trong những nhiệm vụ ban đầu của Ngài có lẽ là chuẩn bị cho một chuyến Tông du của Đức Thánh Cha, nếu có.
Dù vậy, kinh nghiệm cho thấy việc đến thăm không thể diễn ra sớm vì một chuyến thăm của một Đức Giáo Hoàng khác hẳn với một nguyên thủ quốc gia khác, nhưng dù sao thì mọi sự có vẻ đã bắt đầu.
Một chuyến Tông du
Các nguyên thủ quốc gia có thể chỉ cần một lễ đón, một vài cuộc họp trong trụ sở và sự di chuyển ngắn… trong khi một chuyến Tông du của Đức Thánh Cha là hoàn toàn khác hẳn.
Trong cuốn sách “His Holiness John Paul II and the Hidden History of Our Times”, Hai nhà báo Carl Bernstein và Marco Polili ghi lại chuyến thăm Ba Lan lần đầu tiên của Đức Giáo Hoàng John Paul II với tư cách Giáo Hoàng, đã được NXB Công An Nhân dân in tại Hà Nội năm 1997 có đoạn ghi:
“Trên khắp nước Ba Lan, màu đỏ của chủ nghĩa Cộng sản dường như đã biến mất một cách kỳ lạ, và ở đó chỉ còn lá cờ của quốc gia Ba Lan và Toà Thánh… Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng được cử hành ở Trung tâm Quảng trường Chiến Thắng, nơi có tượng đại chiến sỹ vô danh của Ba Lan, thường chỉ có đảng Cộng sản sử dụng cho các cuộc duyệt binh, mít tinh quần chúng. Khi Đức Giáo Hoàng đến, 300 ngàn người đang chờ đợi và hàng chục ngàn người khác không được vào đã tập trung quanh khu vực trung tâm thành phố”.
Trong chuyến Tông du của Đức Thánh Cha tới một nước nào đó thì luôn có 2 hoạt động nổi bật và quan trọng nhất: Đó là gặp gỡ nguyên thủ quốc gia sở tại và cử hành Thánh lễ công cộng. Việc gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam có thể diễn ra tại Hà Nội nhưng một thánh lễ với hàng trăm ngàn người, thậm chí có thể lên đến cả triệu người tham dự là một điều không dễ dàng trong khi Việt Nam vẫn luôn dè chừng với những cuộc “tụ tập đông người”.
Ngoài ra những hoạt động của Đức Thánh Cha như Thăm các địa điểm tôn giáo và lịch sử; tiến hành hoạt động Bác ái xã hội hay giao lưu với các cộng đồng tôn giáo khác… cũng có thể diễn ra nếu như sức khoẻ của Ngài cho phép.
Tự do tôn giáo thực chất mới có ý nghĩa
Còn rất nhiều điều phải làm giữa hai bên để có thể có một chuyến thăm diễn ra, nhưng thông thường đó cũng là những bước “kỹ thuật” mang tính thủ tục.
Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, và một khi họ đã quyết định thì có thể huy động cả hệ thống chính trị và làm rất nhanh. Nếu họ vượt qua được những nghi ngại và coi Toà thánh Vatican là một “cường quốc ngoại giao” cần thể hiện thì chuyến thăm của Đức Thánh Cha và nâng cấp quan hệ chỉ là vấn đề thời gian.
Nhưng bản chất không phải “quan hệ ngoại giao” với quốc gia Vatican để nâng uy tín của Đảng, mà hành động thực chất để tôn trọng tự do tôn giáo với chính công dân của mình, mới có ý nghĩa đích thực và bền lâu.
Đó cũng là điều mà các giáo hữu của mọi tôn giáo ở Việt Nam đều mong ước chứ không phải là một chuyến viếng thăm.
Diễn đàn