Đường dẫn truy cập

Một đề xuất cụ thể


Biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Mấy tuần qua tình hình chính trị Việt Nam trở nên sôi động sau khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD-891 trong lãnh hải Việt Nam.

Người Việt trong và ngoài nước rất nôn nao theo dõi và ai cũng cảm thấy bất bình trước thái độ hung hăng của Trung Quốc và phản ứng yếu ớt của nhà cầm quyền Việt Nam.

Thái độ yếu ớt của nhà cầm quyền Việt Nam dĩ nhiên bị chê trách bởi nhiều người có lòng yêu quê hương, đất nước Việt Nam; nhưng hình như ít thấy ai đề xuất những ý kiến tích cực và cụ thể để đối đầu với giặc ngoại xâm đó là Trung Quốc.

Dĩ nhiên với sự tương quan lực lượng quá xa giữa Việt Nam và Trung Quốc thì hình như ai cũng ngần ngại đưa ra một đề xuất cụ thể để đối đầu với Trung Quốc nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Có điều hình như chúng ta đã quên rằng trong lịch sử kéo dài nhiều ngàn năm của Việt Nam, Trung Quốc đã bao lần tấn công, xâm lăng đất nước chúng ta nhưng cũng đã bao nhiêu lần giặc ngoại xâm bị quân ta đánh đuổi!

Ngày nay, tại sao dân quân Việt Nam không thể noi gương oai hùng của tổ tiên mình trong việc đánh đuổi ngoại xâm? Câu trả lời là lãnh đạo yếu như bài bình luận của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã nêu. Một khi ta có lãnh đạo mạnh có uy tín với dân và thế giới thì nhất định ta không còn sợ giặc ngoại xâm Trung Quốc nữa.

Tạo được niềm tin với dân và thế giới là một vấn đề then chốt cần được đặt ra đây. Nói như vậy nghĩa là hiện nay chính quyền CSVN còn rất yếu kém về uy tín với dân và thế giới nên cần phải tích cực và chân thành sửa đổi đường lối, chính sách của mình. Đây là một vấn đề lớn cần phải có sự hy sinh quyền lợi cá nhân và phe nhóm thì mới làm được. Quyền lợi cá nhân của các viên chức có thế lực tại Việt Nam là dùng ảnh hưởng quyền lực của mình để moi móc tiền của người dân. Quyền lợi của phe nhóm ở đây cụ thể là quyền lợi của đảng CSVN, là mấu chốt của vấn đề Việt Nam ngày nay.

Một chế độ độc đảng đồng nghĩa với độc tài. Mà dưới một chế độ độc tài thì dĩ nhiên người dân bị áp bức, bóc lột. Làm chính trị ở bất cứ nơi đâu cuối cùng rồi cũng mưu cầu lợi ích cho cá nhân hay phe phái mình. Ở Việt Nam cũng giống như vậy, nhưng có điều khác hơn các nước dân chủ tây phương là tại Việt Nam, quyền lợi của người dân không hề được nghĩ tới trong chính sách quốc gia. Chính vì vậy mà làm sao lấy được lòng dân?

Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nghĩ rằng đảng còn thì còn quyền lực trong tay; mất đảng là mất tất cả! Tuy nhiên họ không biết rằng quyền lực gắn liền với bất cứ một đảng nào, và nó tồn tại được khi chiếm được lòng dân.

Tại sao giới lãnh đạo Việt Nam không chịu mở mắt để noi gương các nước dân chủ tây phương để kiện toàn uy tín với dân qua việc cải tổ cương lĩnh, chính sách? Quí vị thử hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp song song với việc cải tổ toàn diện về chính sách của đảng CSVN để so tài với một vài đảng khác khi họ được phép thành lập? Điều nầy cũng khá liều lĩnh, nhưng ăn thua là ở chỗ quí vị có đủ khả năng và bản lãnh trong việc hình thành các đảng phái cạnh tranh với nhau trong việc thu hút lòng dân! Quý vị muốn bám lấy cái gốc cộng sản ư? Thực ra “cộng sản” chỉ là một cụm từ vô tri mà thôi. Ai ngăn cản quý vị cho phép ra đời một vài đảng phái khác mà thành phần đảng viên có thể là gốc cộng sản?

Dù sao đi nữa đảng CSVN trải qua gần nửa thế kỷ nay đã làm cho nhân dân khốn khổ, đất nước suy yếu về mọi mặt rồi. Quý vị thử bỏ cái nhãn hiệu đảng nầy đi, cho tự do thành lập đảng để họ thi đua nhau làm tốt cho dân cho nước thì hay biết mấy! Ở đây tôi chưa nói tới một đảng phái phi cộng sản (bởi vì như tôi đã thưa, nó chỉ cái danh xưng qua cụm từ vô tri mà thôi); thí dụ như một khi Điều 4 Hiến Pháp đã bỏ đi, có thêm hai đảng khác được hình thành và được hoạt động công khai, không bị chèn ép, cưỡng chế; thì như vậy người dân sẽ được nhờ lắm vì chính sách của nhà nước được áp dụng theo chính sách của đảng nào có lợi cho dân nhất vì họ được dân bầu lên trong một nhiệm kỳ 3 hay 4 năm. Nếu dân không hài lòng với đảng cầm quyền, thì ít ra họ còn cơ hội bãi bỏ quyền hạn của đảng đó để bầu một đảng khác lên cầm quyền. Các thành viên trong đảng bị thất cử vẫn còn cơ hội lấy lại quyền lực trong kỳ bầu cử tới. Qua cách thành lập một cơ chế chính phủ như vậy, quyền lợi người dân luôn luôn được cải thiện, còn giới cầm quyền thì chi có mất trong một hay hai nhiệm kỳ mà thôi.

Trở lại vấn đề thực tế của Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ rằng các giới chức lãnh đạo nên ưu tiên khôi phục lòng dân để có đủ sức mạnh tập thể cộng với lòng yêu nước vốn dĩ có sẵn trong mỗi người thì nhất định quân xâm lược Trung Quốc sẽ phải bị đánh đuổi ra khỏi lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam như ông cha ta đã làm trước kia.

Đó là nhận định tổng quát về tình hình Việt Nam hiện nay. Đi vào thực tế, giới lãnh đạo Việt Nam cần phải đồng tâm yêu nước trong tinh thần bảo vệ và kiện toàn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, song song với nỗ lực khôi phục uy tín với nhân dân, quý vị có thể bắt đầu bằng quyết định cứng rắn, tiến hành thủ tục kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế để đòi lại toàn bộ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền trên hai quần đảo nầy. Đặc biệt quản đảo Hoàng Sa mới bị Trung Quốc chiếm giữ sau cuộc hải chiến với quân lực VNCH hồi năm 1974. Điều nầy có nghĩa là trước đó quần đảo nầy là của Việt Nam.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Thiện Nhân Lê

    Từng phục vụ trong quân lực VNCH trước 1975. Vượt biên đến Úc tháng 10 năm 1978. Tại Úc đã tốt nghiệp: MA Translating & Interpreting (RMIT 2013), PhD Sociolinguistics (VU 2011), Postgraduate Diploma TESO (Melbourne Uni 2002), MA Applied Linguistics (Melbourne Uni 1994), MA Public Policy (Melbourne Uni 1992), BA Multicultual Studies (RMIT 1989), Diploma Industrial Relations 1986). Làm việc: Công chức, dạy Anh Văn, phiên dịch. Hiện đã nghỉ hưu.
XS
SM
MD
LG