"Năng lượng của chùa giúp họ nguôi ngoai những mất mát” khi chiến tranh buộc họ phải bỏ tất cả gia sản bao năm gầy dựng ở Ukraine. Chùa Nhân Hòa ở ngoại ô thủ đô Ba Lan, không chỉ là nơi tạm trú khi biến loạn, mà còn là nơi vun đắp ân tình, sưởi ấm niềm tin của hơn một ngàn đồng hương gặp nạn. Dù lưu lại vài ba hôm hay vài tuần trong hành trình gian nan và giá lạnh với “thân suy, tâm loạn”, những người tị nạn tìm thấy nơi đây sự che chở, đồng cảm.
Ngôi chùa do cộng đồng người Việt tại Ba Lan chung tay xây dựng vào năm 2014 tại thủ đô Warsaw, còn có tên gọi là Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan, đã thành nơi tập kết đông đảo người Việt sơ tán từ Ukraine do bị Nga xâm lăng từ cuối tháng 2/2022.
Đại đức Thích Tuệ Viên, trị sự chùa Nhân Hòa, chia sẻ với VOA:
“Đến nay tổng cộng số người đến chùa ở lại vài ngày hay đi sang nước thứ ba cũng đã trên 1.000 người.
“Khi họ thoát ra được vùng chiến sự thì họ chạy sang đây. Họ đi từng tóp nhỏ 5-7 người”.
Vào lúc cao điểm có đến hàng trăm người cùng một lúc tá túc tại chùa. Họ biết đến chùa thông qua cộng đồng người Việt hay được các tình nguyện viên Ba Lan hướng dẫn và đưa đến chùa.
Đại đức Thích Tuệ Viên chứng kiến dòng người tản cư ra đi trong mất mát, đau thương vì chiến tranh, chia sẻ:
“Họ ra đi như thế là ra đi trong nỗi mất mát, ra đi trong nước mắt. Có người đã gầy dựng sự nghiệp trong hơn 30 năm và khi chiến tranh xảy ra họ không còn gì hết, bây giờ chỉ còn hai bàn tay trắng và phải làm lại từ đầu. Rất thương, rất nhiều cung bậc cảm xúc.
“Năng lượng của chùa cũng giúp cho họ nguôi ngoai được phần nào trong sự mất mát đó.
“Lúc chạy giặc do chiến tranh họ đi là vì mạng sống và khi giữ được mạng sống rồi thì họ ngồi nghĩ lại họ đã bỏ hết tài sản ở lại…thấy rất thương họ.”
Tri sự chùa cho biết có lúc các gian phòng tại chùa chật kín người và người lánh nạn sử dụng cả chánh điện để làm chốn dung thân dưới thời tiết giá rét.
Ông Bùi Văn Dư, quyền Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Tâm linh Ba Lan, chia sẻ với kênh VieTV Network về công việc thiện nguyện tại chùa Nhân Hòa:
“Các thầy, phật tử và ban điều hành trong thời gian hơn 20 ngày qua hạn chế ăn ngủ để trực tiếp chăm lo cho bà con tản cư. Các thầy ngoài việc lo về ăn ở còn động viên tinh thần cho bà con an tâm tạm trú ở đây trong thời gian lánh nạn.
“Khi họ đi đột ngột sang đây, mấy ngày đường, trời rét, thân suy, đến đây thì đạo tràng mời họ vào nghỉ ngơi ăn uống và chăm sóc về tinh thần do tâm loạn, mất phương hướng vì họ không biết đi đâu về đâu”.
Theo ông Dư, thủ đô Warsaw là nơi tập trung đông người Việt nhất ở Ba Lan, với 30 nghìn người trong khi chùa Nhân Hòa là nơi chính để tập trung tổ chức các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng. Tại chùa có rất nhiều tình nguyện viên người Việt đảm nhận các công việc như lái xe, dọn dẹp, nấu ăn…
Vị đại diện của chùa cho biết trong số hơn 1 ngàn người đến chùa lánh nạn có rất nhiều, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và mắc bệnh nền...và họ phải trải qua cuộc hành trình dài từ 2-5 ngày, bị đói rét, hoảng loạn và suy kiệt về tinh thần.
Theo thông tin trên Facebook của chùa Nhân Hòa, ngay từ những ngày đầu dòng người chạy chiến tranh từ Ukraina sang Ba Lan và tìm về chùa lánh nạn, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trụ trì chùa, đã phát thư kêu gọi đến các đạo tràng Âu Châu và bà con Phật tử gần xa phát tâm ủng hộ và tổ chức quyên góp.
Phật tử Việt Nam tại châu Âu đóng góp vật phẩm và tiền để hỗ trợ cho người Việt đang tá túc tại chùa Nhân Hòa. Hòa thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác ở Hannover, Đức, nói với VOA:
“Chùa Nhân Hòa ở Przyszlosci, Ba Lan, họ đón người Việt vượt biên giới từ Ukraine sang. Họ ở đó hàng mấy trăm người.
“Một số người Việt tại Đức gửi thằng tiền và quà qua chùa Nhân Hòa để giúp cho người Việt lưu trú tại chùa.”
Trang Báo Quốc tế dẫn lời ông Nguyễn Văn Nam, chủ một cửa hàng kinh doanh, người đã phải bỏ cả cơ nghiệp của mình sau hơn 30 năm ở thủ đô Kyiv, Ukraine, để cùng gia đình lánh nạn tại chùa Nhân Hòa cho biết điều ông thấy ấm áp nhất ở đây là tình đồng hương.
Theo thông tin của chùa, trong thời gian qua có hàng trăm cá nhân, gia đình và hội nhóm tại Ba Lan và khắp châu Âu đã đóng góp tiền và các vật dụng cho nhu cầu cấp bách với số lượng lớn như chăn, gối mềm, quần áo, khăn tất mũ và đồ ăn, đồ uống, rau củ quả...
Với lòng từ bi và vị tha, các nhà sư và phật tử, cùng những người tình nguyện, luôn đảm bảo rằng bếp ăn của chùa Nhân Hòa liên tục đỏ lửa để phục vụ người tị nạn, với những món súp nóng và bữa cơm chay ấm áp tình người.
Đại đức Thích Tuệ Viên chia sẻ với VOA rằng ông mong muốn chiến tranh sớm kết thúc để người Việt từ Ukraine không phải tản cư trong khốn đốn như thế.
Thế nhưng gần hai tháng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, dòng người lánh nạn vẫn tiếp tục và cửa chùa luôn rộng mở để đón nhận.