Đường dẫn truy cập

Thành phố ở Việt Nam hướng tới công nghệ thông minh tương lai


Một mô hình mô tả thành phố Bình Dương của Việt Nam trong tương lai.
Một mô hình mô tả thành phố Bình Dương của Việt Nam trong tương lai.

Nếu cột đèn đường có thể báo cho nhà chức trách biết khi bóng hỏng để họ có thể sửa chữa thì sao? Hoặc, nếu một ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể báo cho các lái xe biết đường phố nào bị ngập nước thì sao? Một số thành phố đang cho ra đời công nghệ như vậy, nhờ đó hệ thống hóa cách họ quản lý tất cả mọi thứ từ tội phạm cho đến chăm sóc sức khỏe hay thu gom rác.Giờ đây, một chính quyền địa phương ở Việt Nam cũng đang tìm cách tham gia nhóm các "thành phố thông minh" này.

Tỉnh Bình Dương mới đây đã mời các chuyên gia đến Hội nghị Cấp cao về Thành phố thông minh để nêu ra các ý tưởng về cách thức tỉnh có thể quản trị hiệu quả hơn nhờ sự đổi mới, sáng tạo.

Một đại biểu đã bàn về xe tự lái, có thể được xếp vào diện phương tiện giao thông công cộng, nhờ đó các cư dân sẽ từ bỏ xe cá nhân và giảm tác động phát thải carbon của họ. Một số đại biểu khác nêu đề xuất về phần mềm báo cho các tài xế xe cứu thương biết bệnh viện nào gần đó còn có giường bệnh hoặc có bác sĩ chuyên điều trị như nhu cầu của bệnh nhân.

Chủ đề xuyên suốt là cơ giới hóa các dịch vụ công cộng nhiều hơn nữa. Bằng cách này, các thành phố trở nên thông minh hơn, giống như các sinh vật sống có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Các chức năng từng do các viên chức quan liêu thực hiện ngày càng có thể được chuyển giao cho robot và các thiết bị làm.

Ngoài các dịch vụ công cộng, một bản quy hoạch chi tiết đô thị thông minh sẽ giải quyết xây dựng.

Ông Phạm Tuấn Khoa, một người quản lý dịch vụ công trình xanh tại công ty xây dựng TEBODIN, lưu ý rằng Singapore đặt mục tiêu là 80% các tòa nhà đạt tiêu chuẩn “xanh” vào năm 2030.

Điều đó có thể không có tính thực tế đối với nước Việt Nam không giàu có bằng, nhưng ông Khoa nói có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ, bằng cách lắp thêm vật liệu cách nhiệt cho các tòa nhà để nâng cao hiệu quả năng lượng, hoặc bằng cách sau này lắp các đèn tự giảm độ sáng khi chúng phát hiện có đủ ánh sáng mặt trời trong một căn phòng.

"Mọi người nên nhận thức về những gì họ đang làm mà không tốt cho môi trường", ông nói bên lề hội nghị. "Vì vậy, từ góc nhìn của tôi, cách dễ dàng nhất để tiếp cận vấn đề này là tạo ra sự khuyến khích từ phía chính phủ. Nếu chính phủ thúc đẩy việc này từ trên xuống, nó sẽ trở thành một tiêu chuẩn, nó sẽ trở thành một điều bắt buộc".

Bình Dương đã ký một biên bản ghi nhớ với thành phố Eindhoven là của Hà Lan về việc thành phố này đóng vai trò tư vấn về phát triển thông minh.

Ông Peter Portheine, giám đốc tổ chức cố vấn chuyên ngành Brainport Development của Hà Lan, cho biết ông đã "bắt đầu thấy một số điểm giống nhau" giữa hai vùng. Ví dụ, Eindhoven đã chuyển đổi từ chế tạo sang nền kinh tế tri thức hoạt động dựa trên tự động hóa, và đó là điều mà Bình Dương hiện đang hy vọng sẽ thực hiện.

Nhưng Việt Nam cũng có lợi thế khi còn khá sơ khai, đó là nhờ Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi ít bị sa lầy vì hệ thống cũ có từ trước và cơ sở hạ tầng.

"Bình Dương không phải tự mình phát minh ra những cái người khác đã phát minh rồi, tỉnh này có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ Eindhoven, ngoài ra còn từ các khu vực khác ở châu Á", ông Portheine nói trong bài phát biểu tại hội nghị, do chính phủ Hà Lan đồng tổ chức. "Vì vậy, chúng ta có thể cùng nhau tập trung lại những điều tốt nhất của nhiều nơi để đảm bảo rằng chúng ta không phạm lại những sai lầm tương tự như những gì chúng ta đã mắc phải ở Eindhoven".

Khai thác sự đổi mới thông minh có thể giúp Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm tiến gần hơn đến mục tiêu của ông là tạo ra một điểm đến công nghệ cao.

"Sau gần 20 năm tái lập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã chuyển từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh công nghiệp", ông Liêm nói trong phát biểu dẫn nhập.

Tuy nhiên, Bình Dương đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Thành phố Hồ Chí Minh ngay cận kề là cỗ máy thương mại của cả nước. Thành phố Đà Nẵng ở miền trung cũng muốn trở thành một trung tâm công nghệ và quảng cáo rằng họ là một cảng phục thương mại. Rồi còn có Hà Nội, đang nhận số lượng dự án đầu tư nước ngoài nhiều gấp đôi.

Nhưng dù vậy Bình Dương vẫn trở thành một địa phương đóng góp hàng đầu vào Tổng Sản phẩm Quốc nội của Việt Nam thông qua việc chủ động thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đến với nhiều khu công nghiệp của tỉnh. Thành phố cũng đã thử nghiệm những cải cách để cải thiện môi trường sống, tạo ra một trung tâm mới được mệnh danh là Thành phố mới Bình Dương.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG