2.
…Đường phố đầy người. Tù chính trị Cộng sản, thân Cộng, thiên Cộng đã được thả hết, nhưng cùng lúc tù hình sự cũng tuôn ra theo. Ở nhiều ngã đường những người tù hình sự có thể cúi xuống nhặt một khẩu súng. Và họ tự đeo lên cánh tay một băng vải đỏ, lấy một chiếc xe jeep nào đó nằm ở lề đường, lái nghênh ngang giữa phố bóp còi inh ỏi. Họ tự cho mình là dân quân cách mạng và họ cướp bóc, dọa dẫm người khác.
Thiếu người cảnh sát công lộ, các đường phố trở nên hỗn loạn, mạnh ai nấy đi. Những ngọn đèn lưu thông xanh-vàng-đỏ ở các ngã tư tắt ngúm như một người câm.
Tôi đến trường theo thông cáo trên đài phát thanh. Cửa đóng kín. Nhưng bên trong lúc nhúc những người bộ đội xúng xính trong những bộ quần áo màu xanh, những quần áo quá mới không vừa cỡ, khiến người ta có cảm tưởng như họ được phát chỉ để mặc trong ngày này do sự chuẩn bị đã được tính toán từ trước. Tôi không đứng một mình. Sau tôi còn một số đồng nghiệp cũng vừa kéo tới. Bác Phẩm, người cai trường, mọi khi vẫn mở cổng cho giáo sư vào, hôm nay đã biến mất. Một người bộ đội trẻ đang mang súng đứng gác. Thấy chúng tôi tập trung trước cổng càng lúc càng đông, anh ta xốc súng đến cổng hỏi giọng trống trơn:
“Muốn gì?”
Anh Lương, giáo sư môn Công Dân, người đồng nghiệp lớn tuổi nhất trường, nói nhỏ nhẹ:
“Chúng tôi là giáo sư nhà trường. Đài phát thanh thông báo chúng tôi có buổi họp sáng nay.”
“Sao không nói!”
Anh ta xẳng giọng, kéo chốt cửa hông, đứng qua một bên để chúng tôi từng người một xuống dắt xe vào.
Gần như toàn thể thầy cô giáo của nhà trường tập trung đầy đủ ở phòng giáo sư.
Mọi người lặng lẽ ngồi xuống ghế hình vòng cung quanh bàn. Tôi có cảm tưởng trong cách ăn mặc của mọi người có một điều gì như khác trước đây. Không khí trầm lắng, thiếu tiếng cười và những câu pha trò buổi sáng mà tôi vẫn thường nghe quanh ấm trà.
Giải phóng rồi
Cách mạng thành công rồi
Hòa bình rồi
Từ nay đất nước đã sạch bóng quân thù
Mỹ đã cút, ngụy đã nhào.
Một ông to béo nói giọng Nam tự giới thiệu là đại diện sở Giáo dục của cách mạng đến nói với chúng tôi bằng những từ ngữ kiểu loại đó.
Giữa những người gọi là “cách mạng” gầy yếu mỏng và nhẹ tênh, ông đại diện này có phần nặng ký. Mới đi Tiệp về, chuyên ngành giáo dục. Và cũng trong phần nói chuyện đó, ông cán bộ béo mập trân trọng giới thiệu Lê Hiên tân hiệu trưởng nhà trường cách mạng và Trần Nguyên, giáo sư phụ trách môn Vạn Vật của nhà trường từ nhiều năm nay, sẽ là người phụ tá cho Lê Hiên.
Lê Hiên trước kia là thầy giáo dạy môn Pháp Văn, nhưng do hoạt động Cộng sản nên bị bắt và đưa đi Côn Đảo. Tôi không quen Hiên, anh ta bị bắt trước khi tôi được bổ nhiệm về trường này. Lê Hiên là người vừa về từ Côn Đảo. Còn nhân vật Trần Nguyên vốn là người ít nói, ít cười, tính tình hiền lành, nghiêm nghị. Tuy vậy anh ta có dáng đi tất bật vất vả. Người anh gầy và mỏng như Lê Hiên. Và cũng giống như Lê Hiên, một con người nói năng từ tốn, chậm rãi, khoan thai, Nguyên không có cái vẻ của một tên xu thời hùa theo tình thế để hù dọa anh em. Lê Hiên nói đã chậm, nhưng có lẽ anh ta suy nghĩ còn chậm hơn. Nghe và nhìn Lê Hiên nói người ta có cảm tưởng như anh đo lường cân nhắc từng chữ, từng lời, từng động tác. Có những câu bị cắt nửa chừng vì chưa tìm ra được chữ thích hợp, tôi thấy Lê Hiên loay hoay với điếu thuốc: vấn, châm lửa, hít, thở khói… tìm ra chữ rồi mới nói tiếp.
“Ở Đông Đức khi cách mạng thành công,” Lê Hiên nói, “người ta không cần thầy giáo giỏi. Người ta cần một người trung kiên có lý tưởng cách mạng hơn là người có chuyên môn. Tôi lấy thí dụ thế này cho dễ hiểu. Nếu chẳng may người giáo viên có viết chữ Bát Hồ “T” chớ không phải Bác Hồ “C” thì cũng chẳng sao. T hay C để tính sau, trung thành với cách mạng trước đã.”
“Hôm nay các anh chị có thể ra về, nhưng kể từ ngày mai nhà trường sẽ vẫn mở cửa như thường lệ. Cách mạng muốn thông báo cho các anh chị em biết để yên tâm. Cách mạng sẽ xét từng trường hợp và lưu dung các anh chị. Các anh chị nhớ cho, lưu dung chớ không phải lưu dụng đâu. Cách mạng dung tha các anh chị về tội đào tạo một thế hệ phản động duy tâm, duy linh. Cách mạng thừa người, không bắt buộc phải dụng các anh chị đâu.”
Rời phòng họp, không về nhà ngay, tôi đi dọc hành lang vắng nhìn sân trường không một bóng học sinh, tôi thấy mình bơ vơ. Những người bộ đội ngồi tựa lưng vào tường dãy phòng hành chánh bên phải, quân trang quân dụng đặt dưới chân. Cuối hành lang trái, tôi dừng lại. Cánh cửa lớp hé mở. Như bị một sức hút. Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào. Trên tấm bảng màu xanh tôi thấy tên một tác phẩm của một nhà triết học Tây phương viết bằng phấn trắng. Chính là nét chữ của tôi. Tôi nhớ ra rồi. Bài giảng cuối cùng của một môn học trong những nhà trường xứ sở tự do.
“Thưa thầy!...”
Bất ngờ tôi nghe một giọng nói từ dãy bàn cuối lớp. Tôi giật mình quay lại. Những dãy bàn trống, ánh nắng chiếu qua cửa sổ lá sách không sáng lắm nhưng tôi có thể nhận ra ngay, một học sinh đang ngồi ở đầu bàn chót. Đứng bên cửa sổ, tiện tay tôi vặn chốt mở tung cửa. Ánh sáng tràn vào trên một khuôn mặt trẻ trung ràn rụa nước mắt.
“Kiệt!”
Tôi kêu lên, nhận ra ngay người học sinh xuất sắc nhất của lớp học. Tôi đi giữa hai dãy bàn ghế. Kiệt chậm rãi đứng dậy.
“Thầy Thăng, thầy nghĩ sao?”
“Ngồi xuống đi, Kiệt.” Tôi ấn vai người học sinh và ngồi xuống bên anh. “Nghĩ sao là sao? Mà tại sao em khóc?”
“Ba em chết rồi!”
Kiệt chùi nước mắt, hàm răng cậu bé nghiến lại, giọng nói lạnh tanh.
“Ba em tự tử hồi tối hôm qua.”
“Sao? Ba em tự tử?”
“Thưa thầy, phải. Ba em là một sĩ quan Dù, ông bất chấp lệnh ngừng bắn của ông Minh, nhất định chiến đấu tới cùng. Và bắn đến viên đạn cuối cùng ba em tự sát…”
Tôi lặng người ngồi im nghe Kiệt kể. Cái lớp học này, nơi gần như ngày nào tôi cũng có mặt, từ niên học này đến niên học khác. Cái ngôi trường này, nơi tôi đã từng mặc áo trắng quần xanh ôm sách đến bao nhiêu năm thời tuổi nhỏ. Nó là nhà của tôi, gia đình của tôi. Nó là máu thịt tôi. Bao nhiêu năm sống với nó tôi vẫn nghĩ là mình dửng dưng với nó. Bây giờ tôi mới biết không phải vậy.
“Thầy Thăng, em phải làm sao bây giờ?”
Tôi biết phải làm sao bây giờ. Chính tôi, tôi cũng không biết mình phải làm sao khi nghe tin tướng Minh bị bộ đội đẩy lên xe jeep lái tới đài phát thanh bắt đọc lời kêu gọi quân đội ngưng bắn, bởi vì giao tranh vẫn còn tiếp tục ở khắp nơi quanh bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, gần Tân Cảng, trước trung tâm truyền thông Phú Lâm, trong Chợ Lớn và ở các vùng ven đô. Tôi choàng tay qua vai Kiệt. Tôi biết bất cứ lời nói nào của tôi trong lúc này cũng là thừa, huống chi là tôi không có lời nào để nói. Tôi nghe miệng mình đắng chát. Tôi ứa nước mắt. Kiệt gục đầu xuống vòng tay khoanh trên mặt bàn. Tôi thấy hai vai cậu bé rung lên bần bật. Không lâu, tôi nghe có tiếng người gọi tên tôi. Tiếng kêu vang dọc dài theo hành lang.
“Thôi Kiệt về đi, chiều tôi sẽ ghé qua nhà.” Tôi vỗ về Kiệt.
Tôi biết những cánh cửa vất vả và khổ nhục đang mở ra trước mặt chúng tôi. Nhưng vất vả khổ nhục như thế nào thì tôi không rõ. Phải đợi đến nửa tháng sau tôi mới biết viên thuốc độc đầu tiên họ cho và bắt chúng tôi uống là lòng hoài nghi. Nó là một thứ “sinh tử phù”. Nó mở đầu cho một mùa nghi hoặc.
Trích Bụi Và Rác, Chương Một B