1.
Những trái pháo đầu tiên từ vùng ven đô nã vào thành phố rơi trúng ngay xóm nhà lá trong khu Mã Lạng nơi tôi và Quỳnh đã dọn về sống chung từ hơn hai năm nay. Cây kim dạ quang trên chiếc đồng hồ đeo tay của tôi chỉ ba giờ rưỡi sáng. Tôi quơ chân dưới gậm giường tìm đôi dép. Và ngay khi vừa đỡ Quỳnh đứng dậy tôi nghe thấy tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng la khóc inh tai, tiếng gọi nhau thất thần ơi ới. Tôi bật công tắc đèn, nhưng điện đã mất. Đi qua phòng khách đến cửa lớn, tôi nhấc cây đà ngang mở ra, hơi nóng thổi ào vào cùng với luồng khói khét mùi cao su thốc tới làm Quỳnh ho sặc sụa. Con ngõ hẹp trước nhà tôi chật ních những người trong xóm tụ tập chỉ trỏ đám khói đang bốc lên trong xóm nhà tôn. Quỳnh ôm cánh tay tôi, nói mệt nhọc:
“Em sợ! Em sợ quá!”
Tôi nắm tay Quỳnh, trấn an:
“Không sao đâu! Không sao đâu!”
Thật ra tôi cũng đang lo sợ. Sợ lắm.
“Pháo trúng nhà Tư Chơi, cậu Thăng ơi!”, chị Sáu trong xóm tay xách nách mang đứng giữa sàn nhà mếu máo tiếp, “Nhà tôi cháy rồi!”
“Tư Chơi có sao không? Nhà chị cháy? Còn anh Sáu đâu? Bọn nhỏ đâu?”
“Trời ơi là trời!.” Chị Sáu khóc to lên.
“Chị Sáu!” Quỳnh nắm tay chị. Tôi nói:
“Em ở đây với chị Sáu, anh chạy vô trong xóm nghe.”
Tôi ra sau nhà xách cái xô nước chạy về phía đám cháy. Bác Tư và bác Tốt chạy theo tôi. Mỗi người xách một xô.
“Có ai bị gì không?”
“Không biết! Không biết ai sống ai chết!”
Cả xóm Mã Lạng bên trong nằm chen với mồ mã. Những mái nhà lợp tôn, vách cũng bằng tôn, trống thốc. Khói bốc ngụt lên, nhưng lửa chưa bén.Tôi nghe tiếng anh Sáu la to:
“Mền đâu? Chiếu đâu? Quần áo đâu?”
“Chi vậy?” Có người hỏi.
“Nước không đủ đâu. Lấy mền chụp lên đi. Quần áo chụp lên đi! Trời ơi! Đâu rồi? Đâu hết rồi?”
Tôi đổ xô nước xong chạy ngược lại nhà quơ đại mấy cái mền. Con nhỏ Tám giúp việc chạy theo tôi cầm tấm ra trải giường. May quá, chỉ còn khói bốc lên ở nhà Tư Chơi… Trái pháo đâm xuống ngôi mã bên hông nhà. Không ai bị gì. Nhưng căn nhà Tư Chơi cũng trống trơn. Tư Chơi đi suốt mấy ngày nay chưa về. Có thể nói xóm Mã Lạng là một trong những xóm nghèo nhất của Sài Gòn. Nghèo đến độ nếu cứ để nó cháy hết đi cũng chẳng sao, vì đâu có tài sản gì mà phải cứu ngoài những tấm tôn, tấm thiếc, đống giẻ rách và nền nhà là đám mồ mả không ai thừa nhận.
Sài Gòn hấp hối. Cả một thành phố hoảng hốt với dòng người ngược xuôi, quần áo xốc xếch, mặt mũi thất thần, di động trên đường phố như những hình nộm.
Ngày hôm qua khi đứng ở đầu hẻm tôi đã thấy những người chạy ngược trên đường Võ Tánh từ rạp chiếu bóng Khải Hoàn về phía rạp cải lương Quốc Thanh đổ xuống Chợ Lớn, những người lính đã cởi áo trận, vất bỏ nón sắt, thân thể bị băng bó vội vàng, người đầy máu và bùn, những đôi mắt không còn sinh khí trên những khuôn mặt hốc hác… Họ chạy nhưng rõ ràng là không biết mình đang chạy đi đâu, về đâu.…
Người ta chờ đợi “ông tướng hoa lan” Dương Văn Minh lên tình hình sẽ thay đổi hẳn. Bởi vì tin đồn Mặt Trận Giải Phóng chỉ muốn nói chuyện với Minh Cồ. Ngoài Minh ra họ không muốn nói với nhân vật nào khác. Và nếu đúng là tướng Minh lên thật, có lẽ Sài Gòn sẽ vẫn là Sài Gòn. Trận mưa bom sẽ không dội xuống đầu bốn triệu con người sống trong nỗi kinh hoàng đang bị ám ảnh trước một biển máu. Nhưng tại Dinh Độc Lập sau khi run rẩy đọc bài diễn văn bàn giao trách nhiệm cho tướng Dương Văn Minh, ông giáo Hương bước xuống đã vấp chân vào một bậc thềm như một điềm gỡ. Và sau những câu trong bài diễn văn dũng cảm của tướng Minh “Hỡi người anh em phía bên kia, tôi thành thật muốn hòa giải, và các bạn biết rõ điều ấy…” là những trái hỏa tiễn của “người anh em phía bên kia” đua nhau rớt xuống Saigon như một câu trả lời. Hà Nội không muốn nói chuyện với bất cứ một người nào, dù nhân vật đó là Minh Cồ.
Quỳnh suốt ngày đi ra đi vào, xem lại đống giấy tờ và hình ảnh của tôi, cái nào nghi ngờ có thể rắc rối là cô đốt bỏ vất hết vào xọt rác. Những tấm ảnh thời học quân sự chín tuần ở Quang Trung, với quần áo treillis, nón sắt, với khẩu M-79, chụp làm cảnh kỷ niệm cũng bị Quỳnh xé nát liệng vào cầu xí.
Tôi chịu không nổi cái cảnh bó gối ngồi trong rọ. Bao nhiêu gia đình đã tìm đường chạy khỏi Saigon và đã chạy được khỏi Việt Nam. Tại sao tôi không làm như họ?
Người đại diện hãng CAL hứa cho Quỳnh hai chỗ trên chuyến bay cuối. Nhưng chúng tôi đã không đến kịp đúng điểm hẹn. Tôi chở Quỳnh đến tòa đại sứ Hoa Kỳ, cả một rừng người chen chúc ngoài cổng sắt. Tại bến Bạch Đằng tôi không thấy chút dấu hiệu nào có chuyến tàu sắp nhổ neo. Quỳnh thì bụng mang dạ chửa, không biết sanh nở giờ nào. Tôi không thể nào đẩy Quỳnh vào cái giòng người cuồn cuộn chen lấn xô đẩy, dẫm lên nhau để tìm cái sống. Cái cảnh di tản ở miền Trung làm tôi hãi sợ quá. Tôi không muốn mình là nạn nhân của một cuộc vượt thoát lối đó. Tôi tìm những lý lẽ riêng để biện minh cho sự an toàn của bản thân nếu Hà Nội chiếm Saigon.
Tôi không biết mình sẽ làm gì trong những ngày tới. Tôi lo sợ. Rồi lại tự giam mình trong nhà, tự an ủi không nên ra đường vì phải canh cho Quỳnh chờ đưa cô đi nhà Bảo Sanh. Tôi quanh quẩn ra vào trong căn nhà hẹp. Quỳnh thì lo xa kiểu đàn bà: trữ sữa, gạo, đường, muối mắm cho cái gia đình ba người có thể sống vài tháng nếu chẳng may không còn chợ búa.
Giống như một người tử tội chờ đợi bản án thi hành, tôi lo sợ và hồi hộp. Tôi hình dung ra một tương lai đầy đe dọa và hồi tưởng một quá khứ không có đầu đuôi. Tôi rảnh rang một cách bận rộn. Tôi cố đọc sách để quên nỗi khắc khoải của một thứ thời gian không phải tâm lý mà cũng không phải vật lý, nhưng tôi hoàn toàn thất bại.
Tôi đến ở trong cái khu xóm Mã Lạng nghèo nàn này của Saigon ngay sau khi Quỳnh quyết định hủy bỏ chuyến đi Âu châu do hãng hàng không CAL đài thọ. Tôi nhớ lại buổi tối sinh nhật của Uyên ở nhà ông bà Phan. Cái ngã đầu của Quỳnh trên vai tôi ngay giữa đường phố Saigon trong đêm giới nghiêm sau cùng khi chúng tôi vừa bước qua cánh cổng sắt nặng nề của nhà ông Phan như bản hôn thú của tôi và Quỳnh. Ở căn nhà này chừng một tháng sau, tôi và Quỳnh đã có dịp đón bà Phan và Uyên đến thăm chơi, khi cả hai chuẩn bị lên đường đi Mỹ.
“Nhà cửa gì mà như cái lỗ mũi!” Tôi nhớ bà Phan đã kêu lên như vậy. “Tài xế phải đậu xe tuốt ngoài kia.”
Bà Phan và Uyên kêu cũng phải. Họ đến thăm tôi đúng vào hôm con hẻm ngập nước mưa. Ngồi trong chiếc ghế mây ở phòng khách nhìn mực nước đục ngầu ngấp nghé tận thềm cửa, bà Phan và Uyên ngó tôi ngao ngán. Hôm đó bà đã nói với tôi điều gì? Bà tiếc rẻ chuyện tôi từ chối cái học bổng bên Mỹ. Bà cười khi nhìn thấy Quỳnh đứng sau lưng tôi mặc chiếc áo bà ba màu nâu, tóc bím đuôi sam ngắn, có gắn một chiếc hoa tỉ muội màu trắng. Phần Uyên, cô không nói với tôi lấy một lời. Cô đứng bên Quỳnh, cười cười nói nói với Quỳnh như hai người bạn thân lâu năm và xem tôi như thể một người chưa hề quen biết bao giờ. Trước khi ra về bà Phan nói “rất tiếc nếu hôn nhân đối với cậu như một nhà tù thì cậu đang trốn từ nhà tù này tự trói tay chui vào nhà tù khác.”
Bà Phan và Uyên đã đi Mỹ đúng vào sáng thứ Bảy, Hăm bảy tháng Giêng, Bảy Ba. Tôi còn nhớ rõ số ngày tháng này bởi vì Hăm bảy tháng Giêng, Bảy Ba là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ. Chấm dứt trên lý thuyết thì đúng hơn. Bởi vì trong ngày đó – mà sau này đọc trên tờ Chính Luận tôi mới biết thêm rằng trong khi Tổng thống Nixon mở đầu bài diễn văn gửi nhân dân Mỹ bằng câu “một kỷ nguyên mới của hòa bình cho nhân loại bắt đầu …”; khi mà tại căn cứ Tân Sơn Nhất các phi công Mỹ xô nhau tung mũ phi hành lên trời, vỗ vào lưng nhau, chuyền cho nhau chai rượu Cognac để vừa tu vừa la lên: Chiến tranh hết rồi, chúng ta trở về nhà…; khi mà tại Saigon hàng chục ngàn tín đồ Phật giáo và Thiên Chúa giáo đến chùa chiền và thánh đường cầu nguyện cho hòa bình… thì con đường quốc lộ từ tỉnh về thủ đô Saigon bị cắt trên ba chục cây số, và cả chục xe vận tải đụng phải mìn,… tại Tây Ninh cuộc đụng độ kéo dài ba mươi tiếng đồng hồ đã khiến quân Bắc Việt để lại trên chiến trường ba trăm xác chết,… tại cửa bể Sa Huỳnh, tại vùng đồng bằng gần Đồng Tháp và rừng U Minh, tại đồn Ban Hét… nơi nào cũng có chạm súng. Chỉ hai ngày sau cuộc ngưng bắn chính thức được loan báo quân Cộng sản đã mở ba trăm ba mươi bốn cuộc tấn công.
Sau ngày bà Phan và Uyên bỏ Việt Nam ra đi hơn hai năm trời nay, tôi chỉ nhận được có hai lá thư viết từ tiểu bang Virginia thuộc thành phố có tên là McLean. Tôi không có dịp trả lời. Và sau đó tôi cũng không có dịp nhận thêm một dòng chữ nào khác.
Buổi sáng đầu tiên của một Saigon vừa chết, cái thói quen mở radio đã làm tôi giật thót. Một âm điệu hoàn toàn khác lạ chói tai buốt óc vang lên. Tôi có cảm tưởng như mình đang nghe một ca khúc Trung Hoa được người Tàu hát bằng tiếng “Việt chệt”. Nó lơ lớ ngọng ngọng. Nó là một bài ca của kẻ chiến thắng đòi người thua trận phải trả bằng máu, xương, và nước mắt.
Tất cả đều đã đổi khác.
Trích Bụi Và Rác, Chương Một A