Ngày thứ Bảy, Hoa Kỳ và Anh thảo luận về việc áp đặt thêm chế tài đối với Nga giữa lúc cuộc ngưng bắn kéo dài được một tuần lễ tiếp tục chông chênh trên bờ sụp đổ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã gặp người tương nhiệm Anh Philip Hammond tại London, sau đó ông nói rằng Tổng thống Barack Obama sẽ quyết định “trong một vài ngày tới” về khả năng có những chế tài mới vì những vi phạm ngưng bắn.
Ngoại trưởng Kerry nói “Cho đến nay, Nga và các phần tử đòi ly khai chỉ tôn trọng lệnh ngưng bắn tại một số ít khu vực họ chọn. Không phải tại Debaltseve, không phải bên ngoài Mariupol và không phải tại những khu vực chiến lược quan trọng khác. Việc này không thể chấp nhận được. Nếu sự thất bại này tiếp tục, thì sẽ có những hậu quả thêm nữa, kể cả những hậu quả sẽ làm căng thẳng thêm nền kinh tế Nga vốn đã gặp khó khăn.”
Ngoại trưởng Kerry nói ông tin tưởng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ đáp trả bằng những biện pháp “nghiêm chỉnh” và ông nói thêm vũ trang các lực lượng Ukraine là một khả năng khác Washington đang cứu xét.
Giữa lúc quân đội Ukraine và các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công, ngày thứ Bảy hai bên đã trao đổi tù binh theo như thỏa thuận ngưng bắn. Việc trao đổi 139 binh sĩ Ukraine và 52 phiến quân diễn ra tại làng Zholobok. Một số binh sĩ được trả tự do có những dấu hiệu thương tích, đi bằng nạng đến vị trí được trao đổi.
Phiến quân nói tù binh gồm một số binh sĩ bị bắt tại thị trấn đường ray chiến lược Debaltseve. Thị trấn này đã bị các phần tử đòi ly khai chiếm được trong tuần, vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngưng bắn được Liên Hiệp Quốc ủng hộ.
Ngày thứ Bảy, ngoại trưởng Kerry nói Moscow đã có “những hành động hết sức trắng trợn và vô đạo lý” trong những ngày vừa qua. Ông nói với các phóng viên là Hoa Kỳ và đồng minh không chấp nhận điều ông mô tả là “thái độ không thể chấp nhận được” của Nga.
“Đối với chúng ta không có gì là bí mật trong kỷ nguyên thấy được tất cả bằng các phương tiện công nghệ và vệ tinh theo dõi điều con người đang làm. Chúng ta biết chắc chắn những gì Nga đã cung cấp cho các phần tử đòi ly khai, Nga liên hệ với các phần tử đòi ly khai như thế nào và những phương cách Nga muốn tiến tới bất chấp đạo lý- ngay cả chỉ đạo một nỗ lực chống lại Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời tiếp tục chiếm đất tại Ukraine.”
Vào ngày thứ Sáu, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cáo buộc điện Kremlin trực tiếp dính líu đến việc những người biểu tình chống Nga bị bắn tỉa chết tại Quảng trường Maidan ở Kyiv.
Tổng thống Ukraine đưa ra cáo buộc này nhân kỷ niệm một năm các vụ giết hại. Ông nói là cơ quan an ninh Ukraine có bằng chứng về việc này. Bộ Ngoại giao Nga gọi cáo buộc là “nhảm nhí” và “điên rồ.”
Ngày thứ Bảy, Ngoại trưởng Kerry đưa ra một tuyên bố nhân những cuộc biểu tình Maidan, nói rằng Hoa Kỳ đoàn kết với Ukraine trong việc tưởng nhớ sự hy sinh của những người biểu tình. Ông nhấn mạnh đến chuyến viếng thăm của ông sau những cuộc biểu tình, nói rằng điều gây nhiều cảm hứng cho ông nhất “là chính người dân Ukraine, những người mong muốn dân chủ và tương lai châu Âu trước sự thù nghịch và xâm lấn của Nga.”
Hôm thứ Sáu, Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều cảnh báo là Moscow đang đối mặt với nhiều thiệt hại và cô lập hơn nếu những phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn tiếp tục vi phạm lệnh ngưng bắn.
Một phát ngôn viên của Ukraine nói Nga vẫn đangvận chuyển trang bị quân sự vào Ukraine, gồm cả xe tăng hướng về phía Novoazovsk, một thị trấn do phiến quân kiểm soát gần Mariupol.
Ngày thứ Sáu, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk. Tòa Bạch Ốc nói ông Biden đã đồng ý với cả hai nhà lãnh đạo là Nga không thể núp đằng sau tuyên bố là những phần tử đòi ly khai địa phương duy nhất chịu trách nhiệm về những động thái quân sự mới đây tại miền đông Ukraine.