Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cảnh báo mọi mưu toan nắm quyền ở Afghanistan sẽ đưa đến việc Hoa Kỳ lập tức cắt đứt mọi viện trợ kinh tế và an ninh. Tuyên bố được đưa ra sau khi kết quả sơ khởi của cuộc bầu cử tổng thống vòng nhì hồi tháng trước đi đến những cáo buộc gian lận tràn lan và lời hăm dọa thành lập một “chính phủ song song.” Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Kerry tuyên bố ông hết sức quan ngại trước những tin tức về phản kháng tại Afghanistan và những gợi ý về việc thành lập một “chính phủ song song”. Ông Kerry nói Hoa Kỳ trông đợi các cơ chế bầu cử của Afghanistan tiến hành một cuộc duyệt xét đầy đủ và tường tận về tất cả những cáo buộc hữu lý có liên quan đến những trường hợp bất hợp lệ.
Ông Kerry cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào nhắm chiếm quyền hành bằng các phương tiện phi pháp sẽ làm cho Afghanistan mất hết sự hỗ trợ về tài chính và an ninh của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.
Hôm qua, giới hữu trách Afghanistan công bố kết quả sơ khởi cuộc bầu cử ngày 14 tháng 6, theo đó cựu kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới, ông Ashraf Ghani dẫn trước ứng cử viên đối thủ là cựu ngoại trưởng Abdullah Abdullah với khoảng cách biệt khá lớn, 56 phần trăm so với 44 phần trăm. Ủy ban Bầu cử Quốc gia Ðộc lập IEC cảnh báo rằng kết quả chung quyết dự trù vào ngày 24 tháng này, có thể thay đổi.
Ông Abdullah và ban vận động của ông đã cáo buộc có sự gian lận phiếu ở “quy mô công nghiệp.” Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jennifer Psaki hôm qua nói các cáo buộc gian lận là nghiêm trọng và cần phải được điều tra đầy đủ.
Bà kêu gọi ủy ban bầu cử Afghanistan làm việc với Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Khiếu nại Bầu cử Ðộc lập ICC để xem xét vấn đề hơn 7 ngàn thùng phiếu khả nghi và có thể có tới 3 triệu lá phiếu có vấn đề.
“Trọng điểm của chúng tôi nhắm vào việc khích lệ một cuộc duyệt xét đầy đủ và tường tận về tất cả những cáo buộc hữu lý có liên quan đến các trường hợp bất hợp lệ. Chúng tôi nghĩ rằng điều cấp thiết là bảo đảm nhân dân Afghanistan đặt lòng tin tưởng vào sự toàn vẹn của tiến trình bầu cử. Cũng đã có một loạt các biện pháp do Liên Hiệp Quốc đề xuất. Liên Hiệp Quốc đã đề nghị tiến hành một loạt các cuộc kiểm tra bổ sung về những lá phiếu khả nghi và điều cấp thiết là IEC và ICC và Liên Hiệp Quốc phải hợp tác để thực hiện thêm các cuộc kiểm tra.”
Bà Psaki kêu gọi cả hai ban vận động hợp tác với các cuộc kiểm tra vừa kể và tự chế đừng đưa ra các phát biểu hay có những hành động khiêu khích. Bà cũng nói Washington trông đợi tiến trình kiểm tra sẽ hoàn tất kịp thời cho lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống vào ngày 2 tháng 8, và bà kêu gọi tất cả các bên bảo đảm cuộc bầu cử được cả bên trong lẫn bên ngoài Afghanistan cho là khả tín, và cùng làm việc hướng tới mục tiêu đoàn kết quốc gia.
Ông Abdullah đã đổ lỗi cho Tổng thống Hamid Karzai, các tỉnh trưởng và nhân viên an ninh của ông là đóng một vai trò trong việc phá hoại bầu cử. Ông Nazif Shahrani, sinh ở Afghanistan trưởng khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Cận Ðông của trường Ðại học Indiana, nói rằng cuộc cãi cọ giữa hai ban vận động có thể giữ ông Karzai ở lại nắm quyền.
“Nếu hai nhóm này không đồng ý và không giải quyết các bất đồng về kết quả cuộc bầu cử, thì một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí đi đến bạo động, có thể bùng ra, và trong trường hợp đó, ông Karzai có thể tuyên bố tình trạng khẩn trương và tiếp tục nắm chức vụ tổng thống.”
Ông Shahrani nói ông tin rằng chỉ có một cuộc kiểm tra quốc tế hợp tác với cả hai ứng cử viên mới bảo đảm được một kết quả được tất cả mọi người chấp nhận.
“Vì thế, mọi việc phải xuất phát từ cộng đồng quốc tế, cho dù là Liên hiệp châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ hay Liên đoàn Ả Rập, hay Hội nghị Hồi giáo, họ sẽ phải tiếp xúc để có được một hình thức điều giải độc lập, vô tư từ phía cộng đồng quốc tế cùng với các đại diện của chính họ để tiến hành việc kiểm tra.”
Ông Shahrani nói lời đe dọa thành lập một chính phủ song hành của ban vận động cho ông Abdullah có thể dẫn đến một phong trào chia rẽ giữa miền bắc và miền nam và những người Tajikistan ủng hộ ông với cộng đồng Pashtun của ông Ghani. Theo ông, tình huống đó sẽ là một thảm kịch cho một đất nước đã kinh qua 36 năm chiến tranh.
Ông nói có thể không có người đắc cử rõ ràng xuất hiện sau cuộc kiểm tra bầu cử nhưng ít nhất, một thỏa thuận chia quyền hay một chính phủ đoàn kết có thể bảo vệ tình đoàn kết quốc gia, gìn giữ hòa bình, và tránh được tình trạng bạo động có thể sẽ gây trở ngại cho khu vực và phá hoại những hy sinh của cộng đồng quốc tế.