Hoa Kỳ hoài nghi chuyện Trung Quốc sẵn sàng tiến hành phong tỏa Đài Loan như một phần trong bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm chiếm hòn đảo này bằng vũ lực.
Quân đội Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận, gần đây nhất là vào tháng 4 vừa qua, mà truyền thông nhà nước mô tả là nỗ lực nhằm mô phỏng một cuộc phong tỏa có thể xảy ra. Nhưng một quan chức hàng đầu của Ngũ Giác Đài ngày 5/10 nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thực hiện một cuộc phong tỏa ngoài đời thực đều có thể gây phản tác dụng nặng nề.
“Cái giá mà Bắc Kinh phải trả có vẻ rất đắt và rủi ro có vẻ rất, rất cao”, Ely Ratner, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tuyên bố trước cử tọa ở Washington.
“Điều gì xảy ra ngay giây phút Trung Quốc bắt đầu phong tỏa Đài Loan? Nền kinh tế toàn cầu rơi xuống vực thẳm”, ông nói. “Sẽ không có ai miễn nhiễm trước nỗi đau kinh tế mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ gây ra cho thế giới.”
Ông Ratner cho biết tác động kinh tế tàn khốc của một cuộc phong tỏa như thế cũng có thể sẽ tập hợp cộng đồng quốc tế xung quanh Đài Bắc và chống lại Bắc Kinh.
Ông cũng cảnh báo rằng bất chấp những tiến bộ quân sự của Trung Quốc, Ngũ Giác Đài không đánh giá rằng Bắc Kinh có khả năng phong tỏa hoàn toàn hòn đảo này.
“Chúng tôi nghĩ rằng Đài Loan vẫn sẽ có các lựa chọn của riêng mình và cùng với cộng đồng quốc tế để cung cấp các loại vật tư công nghiệp và nguyên liệu thô, thực phẩm và năng lượng mà Đài Loan cần để duy trì xã hội của mình”, ông Ratner nói, điều này có thể sẽ khiến quân đội Trung Quốc phải đối mặt một vị thế khó khăn.
Ông nói: “Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ quyết định xem họ có muốn bắt đầu tấn công các tàu thương mại để duy trì lệnh phong tỏa hay không”. “Nguy cơ leo thang là cực kỳ cao”.
Ông Ratner không phải là người duy nhất chất vấn về mong muốn của Trung Quốc trong chuyện để nổ ra xung đột quân sự.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết vào cuối ngày 4/9 rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hiện đã bước vào tháng thứ 18, có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lý do để tạm dừng.
Trung tướng Scott Berrier nói trong một sự kiện bên ngoài Washington: “Nếu ông ấy quan sát Ukraine một cách cẩn thận, ông ấy sẽ nhận ra điều đó khó khăn đến mức nào”. “Có lẽ ông ấy đang nghĩ về sĩ quan cấp tướng [của chính mình] và tất cả các quân chủng của mình [và] nghĩ, ‘Những người này có đủ can đảm, bí quyết và khả năng phục hồi để có thể làm được việc này không?’”
Ông nói: “Cuộc chiến cuối cùng của họ là vào năm 1979 với Việt Nam. “Điều đó đã không diễn ra tốt đẹp như họ mong muốn. Và vì vậy, có lẽ lúc này họ đang có một số nghi ngờ trong đầu.”
Bình luận của ông Berrier và ông Rater được đưa ra trong khi Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị công bố phúc trình thường niên về Sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Phúc trình năm ngoái cảnh báo Trung Quốc đã tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân lên hơn 400 đầu đạn và đang trên đà trang bị khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035.
Phúc trình năm 2022 cũng cảnh báo về số lượng các cuộc chạm trán “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” ngày càng tăng của Trung Quốc với quân đội Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Ratner của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 5/10 cho biết Hoa Kỳ đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc xây dựng hạt nhân của Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch”, đồng thời cho biết thêm đây là một trong những lý do khiến Ngũ Giác Đài tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh mở đường dây liên lạc giữa các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng ta chưa đạt mức chúng ta cần có,” ông Ratner nói, đồng thời cho biết thêm rằng liên lạc cấp cao giữa các quan chức hàng đầu của Ngũ Giác Đài và những người đồng cấp ở Bắc Kinh “phần lớn đã bị tắt trong năm qua”.
Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan, nhưng Trung Quốc sẽ không “nản lòng trước những hành động khiêu khích”.
Các quan chức quân sự và tình báo Hoa Kỳ đánh giá rằng quân đội Trung Quốc đã được lệnh sẵn sàng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, có lẽ sớm nhất là vào năm 2025, nhưng chính phủ Trung Quốc và ông Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có nên ra lệnh xâm lược hay không.
Hoa Kỳ có theo chính sách “Một Trung Quốc”, trong đó thừa nhận Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ coi tình trạng của Đài Loan là không ổn định và gửi viện trợ quân sự đến hòn đảo tự trị này để giúp hòn đảo tự vệ.
Diễn đàn