Bộ Ngoại giao Mỹ nói Nga đã tìm cách ngăn chặn một tổ chức theo dõi quốc tế điều tra cáo buộc vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria “bằng cách làm nó phức tạp hơn.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với đài truyền hình Alhurra: “Có thể họ muốn làm điều đó bởi vì trì hoãn việc xét nghiệm hiện trường càng lâu thì các dấu tích hóa chất càng biến mất.”
Các nhân viên điều tra của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Syria hôm 14/4 nhưng cho tới lúc này vẫn không thể bắt đầu công việc của họ ở Douma.
Một quan chức Nga nói đội điều tra của OPCW có kế hoạch tới thăm khu vực phía đông của thủ đô Damascus của Syria hôm 18/4.
Nga đổ lỗi cho việc trì hoãn này là do các cuộc không kích của Mỹ và 2 đồng minh Anh và Pháp hôm 14/4 vào ba cơ sở cũ khí hóa học của Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabbkov cũng cho rằng phái đoàn điều tra không được phép tới đó vì họ không được sự chấp thuận của ủy ban an toàn và an ninh của Liên Hiệp Quốc.
Các quan chức LHQ ở New York không đồng ý với tuyên bố đó của Nga.
“Liên Hiệp Quốc đã cung cấp những giấy phép cần thiết để nhóm nghiên cứu của POCW đến điều tra ở Douma,” theo người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric. “Chúng tôi không từ chối bất cứ yêu cầu nào của nhóm nghiên cứu này để họ có thể tới Douma.”
Người phát ngôn của LHQ còn nói rằng Tổng thư ký LHQ Antonio Guterrres rất ủng hộ cuộc điều tra này.
“Tổng thư ký mong muốn đoàn kiểm tra được pháp tiếp cận với hiện trường hiện trường để chúng ta có thể có được một bức tranh toàn cảnh đầy đủ nhất của sự việc,” theo ông Dujarric.
Đặc phái viên Mỹ ở OPCW, ông Ken Ward, hôm 16/4 cho biết ông tin rằng Nga đã tới khu vực này và ông bày tỏ lo ngại rằng Nga đang thay đổi hiện trường trước khi nhóm chuyên viên của OPCW tiến hành điều tra tìm kiếm bằng chứng.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phủ nhận cáo buộc này và cho BBC biết rằng ông cam đoan Nga “đã không thay đổi hiện trường.”
Ngoại trưởng Lavrov nói bằng chứng mà Mỹ, Anh và Pháp vin vào đó để tiến hành cuộc không kích hôm 14/4 được dựa trên “những nghi nhận của truyền thông và mạng xã hội.” Ông phủ nhận không có bất cứ cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nào xảy ra và cáo buộc Anh đã dàn dựng vụ tấn công đó.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đưa ra một thông cáo chung hôm 17/4 tuyên bố ủng hộ các cuộc không kích.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Mỹ, Anh và Pháp nhằm làm giảm khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chế độ Assad và để ngăn chặn việc sử dụng trong tương lai,” các nhà lãnh đạo của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu nói trong thông cáo chung.
Truyền thông Syria cho biết có một cuộc tấn công bằng tên lửa khác đã xảy ra ở tỉnh Homs vào sáng sớm 19/4 nhưng sau đó nói rằng đó là báo động giả và không phải là một cuộc tấn công từ bên ngoài làm kích hoạt hệ thống phòng không.
Người phát ngôn BNG Mỹ Nauert nói với truyền hình Alhurra rằng Hoa Kỳ đang thúc đẩy để tập trung trở lại cái gọi là tiến trình Geneva mà LHQ đã bắt đầu vào năm 2012 với một lộ trình tiến tới chấm dứt cuộc xung đột ở Syria bằng một hiến pháp mới cùng các cuộc bầu cử.
“Điều duy nhất mang tính tích cực mà tôi có thể hy vọng từ các tin tức khủng khiếp ở Syria vào tuần trước là tiếp tục thúc đẩy tiến trình đó,” người phát ngôn nói. “Do vậy, lúc này chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia sẽ quay trở lại tiến trình Geneva và chúng ta sẽ có thể đạt được những tiến bộ.”
Người đứng đầu bộ phận chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu Federica Mogherini đưa ra lời kêu gọi tương tự hôm 16/4 trong một cuộc họp của các bộ trưởng và cho rằng cần thiết phải thúc giục một sự tái khởi động tiến trình hòa bình do LHQ dẫn đầu.
Tại Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp đã đề xuất một giải pháp dự thảo mới để giải quyết ba vấn đề chính của cuộc xung đột – vũ khí hóa học, các vấn đề nhân đạo và tiến trình chính trị.