Một cuộc tranh luận vừa diễn ra tại một viện nghiên cứu hàng đầu ở Washington về việc liệu Mỹ có nên hạn chế nghiêm ngặt hoạt động kinh doanh của Huawei tại Mỹ hay không giữa những cáo buộc công ty công nghệ này của Trung Quốc có thể đề ra những nguy cơ nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 ra một sắc lệnh hành pháp cấm bán những sản phẩm của Huawei ở Mỹ, mở rộng những hạn chế mà ban đầu được áp dụng cho các cơ quan liên bang. Mỹ nói các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng làm công cụ do thám cho chính phủ Trung Quốc.
Cuộc tranh luận tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 28/6 có sự tham gia của bốn cựu quan chức chính quyền, chuyên gia điều tra và chuyên gia công nghệ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh và thương mại. Họ được chia thành hai đội với lập trường ủng hộ và chống đối những hạn chế của Mỹ đối với Huawei.
Martijn Rasser, từng là điệp viên cao cấp tại Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), lập luận rằng những hạn chế này là “thỏa đáng và cần thiết.” Ông nói những mục tiêu địa chính trị của chính phủ Trung Quốc và những hoạt động thương mại của Huawei “gắn bó mật thiết với nhau.”
[10’19] “Bằng việc ủng hộ Huawei, Trung Quốc tìm cách nắm quyền kiểm soát rộng lớn đối với mạng lưới liên lạc không dây thế hệ tiếp theo được gọi là 5G,” ông nói. “5G sẽ tạo điều kiện cho những liên lạc quân sự tiên tiến, khả năng nhận thức tình huống, phương tiện tự hành, các thành phố thông minh, ‘internet vạn vật.’ 5G sẽ là xương sống của nền kinh tế internet toàn cầu. Nó là động lực của cuộc cách mạn công nghiệp kế tiếp.”
“Chúng ta không thể có một nước cạnh tranh địa chính trị, một cường quốc gần ngang tầm có chủ trương xét lại, một đối thủ tiềm năng của Mỹ kiểm soát nền tảng công nghệ cho nền kinh tế hiện đại.”
Ông cũng nói rằng sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này đề ra nguy cơ an ninh cho các đồng minh của Mỹ và cuối cùng là an ninh toàn cầu.
Tán đồng với lập trường này, Dan David, chuyên gia điều tra các vụ gian lận thương mại ở Trung Quốc, kể lại kinh nghiệm của ông khi làm việc tại nước này đối mặt với điều ông mô tả là những hành vi hăm dọa, sách nhiễu và thậm chí truy tố của nhà chức trách mà đội ngũ của ông gặp phải khi họ tìm cách phơi bày những vụ gian lận của các công ty Trung Quốc.
“Những công ty mà tôi đang nói tới chẳng là gì đối với chính phủ Trung Quốc,” ông nói. “Nếu chúng tôi mà làm những điều đó với Huawei thì coi như không còn tự do, không còn tính mạng. Tôi không nói Huawei là một công ty xấu mà là để nêu bật tầm quan trọng của Huawei đối với Trung Quốc.”
Tranh luận với lập trường chống lại những hạn chế nghiêm ngặt đối với Huawei, Paul Triolo, cựu quan chức chính quyền từng theo dõi sự trỗi dậy của Trung Quốc về khoa học về công nghệ, nói rằng những hành động của Mỹ nhắm vào Huawei trong tư cách một công ty cá nhân là chưa “chín chắn” và sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp của Mỹ với các đối tác ở Trung Quốc.
[27’19] “Những hành động này nhắm vào Huawei có thể khiến các công ty Trung Quốc xem các nhà cung cấp Mỹ là không đáng tin cậy,” ông nói. “Và theo thời gian họ sẽ tự thiết kế lấy những sản phẩm của riêng mình và đây là một vấn đề lớn đối với các công ty Mỹ, vì việc này ảnh hưởng tới khả năng của họ duy trì nguồn thu từ thị trường Trung Quốc để đem tiền đó đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và để canh tân.”
Ông Triolo nhấn mạnh ông không bênh vực những tập tục kinh doanh của Huawei mà kêu gọi một cách tiếp cận có sự suy xét thấu đáo để giải quyết một vấn đề “phức tạp.”
Đồng ý với lập trường của ông Triolo về những tác động đối với doanh nghiệp Mỹ, Erin Ennis, Phó Chủ tịch Cao cấp của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc (USCBC), nói các công ty Mỹ có rất ít thời gian để tuân thủ các quy định mới ban hành liên quan tới Huawei và điều này đã gây nên “hỗn loạn” trong cách thức mà những quy định này được thi hành.
“Nếu mối đe dọa quá lớn đến mức chúng ta phải ngay lập tức loại bỏ các sản phẩm [của Huawei] khỏi thị trường, vậy thì tại sao chúng ta lại cho phép các sản phẩm có 25 phần trăm thành phần của Huawei có mặt thị trường theo các quy định ‘vi lượng?” bà Ennis đặt câu hỏi.
Tuy nhiên bà cũng khẳng định Huawei có “những vấn đề về minh bạch và uy tín” và có những “nghi vấn thực sự” về an ninh của những sản phẩm mà họ cung cấp.
[32’16] “Nếu [Huawei] muốn được chấp nhận là một nhà lãnh đạo toàn cầu, họ cần phải áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn cho chính họ, nhưng họ cần phải cho thấy nhiều hành động hơn là những lời nói mà họ đã đưa ra,” bà nói.
Huawei đã phủ nhận chuyện họ bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát và phủ nhận những sản phẩm của họ đề ra nguy cơ về bảo mật.
Vấn đề Huawei có phần chắc sẽ được nêu ra trong cuộc họp dự kiến ngày 29/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản.