Hôm thứ Hai 1/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mời bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội tới Nhà Trắng vào tuần tới sau khi Bộ Tài chính cảnh báo chính phủ có thể cạn tiền để thanh toán các hóa đơn vào tháng 6.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một bức thư gửi Quốc hội rằng nhiều khả năng là bộ này sẽ không thể đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ Hoa Kỳ "có lẽ sớm nhất là vào ngày 1/6" nếu không có hành động của Quốc hội. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đối đầu nhau hàng tháng nay về vấn đề ngân sách.
Lời dự báo mới nhất về tình trạng vỡ nợ cho thấy Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ cao hơn sẽ bị vỡ nợ công chưa từng có, một sự kiện sẽ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người thuộc đảng Cộng hòa và hiện đang công du ngoại giao ở Jerusalem, để mời ông tham gia cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 9/5. Hai nhà lãnh đạo này chưa gặp nhau để thảo luận về vấn đề này kể từ tháng 2.
Ông Biden cũng gửi lời mời tới lãnh đạo khối Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo khối Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.
Ông Biden đã nói một cách kiên định rằng ông sẽ không đàm phán về việc tăng trần nợ, nhưng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi một mức giới hạn mới được thông qua. Quốc hội thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp khác về chi tiêu và ngân sách.
Lời dự báo mới về ngày vỡ nợ, có tính đến các khoản thanh toán thuế của tháng 4, nhìn chung không khác mấy so với một dự báo trước đó, được đưa ra hồi tháng 1, cho rằng chính phủ Mỹ có thể cạn tiền vào khoảng ngày 5/6. Nhưng lần này, bà Yellen nói thêm rằng có thể có vài sự du di, ghi nhận rằng các khoản thu và chi của liên bang "vốn hay có những thay đổi". Ngày tháng cụ thể mà Bộ Tài chính thực sự bó tay sau khi sử dụng hết các biện pháp đặc biệt "có thể muộn hơn vài tuần so với những ước tính này", bà viết.
Bà viết: “Không thể dự đoán chính xác ngày nào Bộ Tài chính sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của chính phủ”.
Mỹ đụng trần vay nợ là 31,4 nghìn tỷ đô la vào ngày 19/1. Bà Yellen trước đó đã nói với Quốc hội rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh toán nợ, trả phúc lợi liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền đặc biệt. Một trong nhưng bước như vậy hiện Bộ Tài chính vẫn đang thực hiện là đình chỉ việc bán chứng khoán kho bạc mà các chính quyền tiểu bang và địa phương sử dụng để tạm thời trữ tiền.
Hồi năm 2011, đã có một cuộc chiến tương tự về trần nợ công làm cho nước Mỹ rơi vào cảnh ngấp nghé bờ vực vỡ nợ và khiến mức xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước đã bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn, những người từng trải qua cuộc đối đầu năm 2011 nói.
Nhà phân tích ngân sách Shai Akabas thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng nói rằng tình trạng chỉ còn một khoảng thời gian ngắn là đến thời hạn chót làm tăng thêm tính cấp bách cho việc phải tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc nặng nề, đồng thời làm tiêu tan hy vọng rằng Quốc hội có thể đàm phán trong những tháng cuối mùa hè.
Ông nói thêm rằng tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra trong vòng vài tuần "là điều không hề có lợi cho một quốc gia được coi là nền tảng của hệ thống tài chính và chỉ càng làm tăng thêm sự bất định đối với một nền kinh tế vốn đã lung lay".
(Reuters)
Diễn đàn