Trung Quốc hôm 11/7 tuyên bố sẽ đưa ra “các biện pháp cương quyết và mạnh mẽ” chống lại đe dọa của Mỹ mở rộng biểu thuế nhập khẩu đối với hàng ngàn sản phẩm như cá cắt thanh, táo và cửa trong lúc cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang leo thang, theo AP.
Trung Quốc không đưa ra chi tiết các việc trả đũa, nhưng trước đó đe dọa sẽ có “các biện pháp toàn diện” nếu Washington hành động thêm. Điều này dẫn đến lo ngại Bắc Kinh, đang cạn hàng nhập khẩu do các biện pháp trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại, có thể sẽ tìm cách gây gián đoạn hoạt động của các nhà sản xuất ô tô, các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác vốn xem Trung Quốc là một thị trường trọng điểm.
Xung đột leo thang về chính sách công nghệ của Trung Quốc đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Ba, cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thông báo có thể sẽ có vòng tăng thuế thứ hai, nhắm vào 200 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra 4 ngày sau khi Washington thêm 25% thuế lên 34 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế tương tự trên cùng số lượng hàng nhập khẩu của Mỹ.
Tăng đột ngột là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, AP dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nói.
Bộ này cho biết thêm rằng Bắc Kinh sẽ có “biện pháp đối phó cần thiết” để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình.
Khi được hỏi Bắc Kinh sẽ làm gì, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không đưa ra chi tiết, nhưng nói rằng “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cương quyết và mạnh mẽ”.
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ đang đáp trả lại quyết định trả đũa của Bắc Kinh thay vì thay đổi chính sách của mình.
Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao hơn trên 500 tỷ đôla hàng hóa, hoặc trên hầu hết hàng xuất khẩu mỗi năm của Trung Quốc sang Hoa Kỳ.
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sẽ lấy ý kiến công chúng và tổ chức hội nghị tiếp nhận ý kiến vào ngày 20-23 tháng 8 trước khi đưa ra quyết định sau ngày 31 tháng 8, AP dẫn nguồn từ một giới chức cấp cao giấu tên của Mỹ.
Biểu thuế đầu tiên của Hoa Kỳ tập trung vào các sản phẩm công nghiệp Trung Quốc, một nỗ lực nhằm giảm tác động trực tiếp lên người tiêu dùng Mỹ.
Danh sách mới bao gồm máy hút bụi, đồ nội thất, phụ tùng ô tô và xe đạp, cửa kiểu Pháp và ván ép. Máy tính xách tay và điện thoại thông minh mang thương hiệu Mỹ chưa bị ảnh hưởng.
“Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực xuất khẩu của Trung Quốc”, chuyên gia Rajiv Biswas của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu IHS Markit nhận định trong một báo cáo.
Trong khi đó, lượng hàng hóa Mỹ bán vào Trung Quốc quá nhỏ đến mức Bắc Kinh “không thể làm tương tự như biểu thuế mới của Mỹ”, chuyên gia Vishnu Varathan của Ngân hàng Mizuho cho biết.
Trung Quốc nhập khẩu 130 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ vào năm ngoái.
Cả hai chính phủ đều đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ đôla và cho biết đang xem xét các khoản phí bổ sung trên 16 tỷ đôla hàng hóa khác nữa. Điều đó khiến cho Trung Quốc chỉ còn 80 tỷ đôla để có thể đưa ra biện pháp trả thù thêm.
Nhưng thay vào đó, nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc lại giúp cho Bắc Kinh có các công cụ để phá vỡ hoạt động của các công ty Mỹ. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý có thể không cấp, hủy giấy phép hoặc gây sức ép lên các công ty bằng cách điều tra về thuế, môi trường hoặc chống độc quyền.
Hiện các công ty đang theo dõi công ty sản xuất chip Qualcomm của Mỹ, hãng này đã chờ nhiều tháng trời để các giới chức Trung Quốc quyết định có cho phép mua lại công ty sản xuất bán dẫn toàn cầu NXP Semiconductors của Hà Lan trị giá 44 tỷ đôla. Tất cả các chính phủ lớn khác đều đã chấp thuận thỏa thuận này.
Tác động kinh tế của cuộc xung đột hiện đang lan rộng.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết trong tuần này các công ty thành viên của họ đang sắp xếp lại dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu để đảm bảo nếu có bất kỳ mối liên hệ nào với Hoa Kỳ thì sẽ không đi qua Trung Quốc.
Các đại biểu Quốc hội Mỹ ngày càng đặt nhiều câu hỏi về chiến thuật của ông Trump. Họ cảnh báo mức thuế nhập khẩu sẽ làm tăng giá hàng tiêu dùng và khiến cho nông dân và nhà sản xuất Mỹ phải hứng chịu việc trả đũa.
Lần thương thảo gần nhất của các đại diện thương mại hai phía Mỹ -Trung là vào ngày 3/6, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đến thăm Bắc Kinh để thảo luận với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Cả hai đều không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy có thể sẽ sớm gặp lại nhau.
Các lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng nhưng không thành công trong việc giành hỗ trợ từ châu Âu và các chính phủ khác. Họ chỉ trích chiến thuật của ông Trump nhưng lại chia sẻ với những phàn nàn của Mỹ về chính sách công nghiệp của Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc mất 1,8% và chỉ số thị trường của Nhật Bản giảm 1,1%. Chỉ số chính của Hồng Kông giảm 1,3%.
AP dẫn báo cáo của chuyên gia Hannah Anderson của công ty quản lý đầu tư JP Morgan Asset Management cho rằng cuộc xung đột “còn lâu mới chấm dứt” và cảnh báo “tác động sẽ là trên toàn cầu”.