Đường dẫn truy cập

Mỹ dừng viện trợ nước ngoài trên diện rộng sau khi TT Trump ra lệnh rà soát


USAID là cơ quan phân phối viện trợ của Mỹ đến nhiều nước.
USAID là cơ quan phân phối viện trợ của Mỹ đến nhiều nước.

Hôm thứ Sáu 24/1, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành lệnh "dừng thực hiện" đối với tất cả các khoản viện trợ nước ngoài hiện có và tạm dừng các khoản mới, theo một công điện mà Reuters xem được. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh tạm dừng để rà soát xem liệu việc cấp viện trợ có phù hợp với chính sách đối ngoại của ông hay không.

Công điện, được Ngoại trưởng Marco Rubio duyệt, viết rằng các khoản tài trợ quân sự cho Israel và Ai Cập được miễn áp dụng. Không có quốc gia nào khác được đề cập trong công điện.

Hoa Kỳ là nước cấp viện trợ lớn nhất trên toàn cầu - trong năm tài chính 2023, quốc gia này đã giải ngân 72 tỷ đô la tiền viện trợ.

Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức hôm 20/1, ông Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ phát triển nước ngoài trong 90 ngày cho đến khi xem xét lại hiệu quả và mức độ nhất quán với chính sách đối ngoại của ông.

Công điện của bộ ngoại giao Mỹ viết rằng văn bản này có hiệu lực ngay lập tức, theo đó, các quan chức cấp cao "phải đảm bảo rằng, ở mức độ tối đa được pháp luật cho phép, sẽ không có cam kết mới nào được đưa ra về viện trợ nước ngoài" cho đến khi ông Rubio ra quyết định sau khi rà soát.

Công điện chỉ đạo rằng đối với các khoản viện trợ nước ngoài hiện có, cần phải ra lệnh dừng thực hiện ngay lập tức cho đến khi được ông Rubio xem xét.

Một viên chức thuộc Cơ quan Viện trợ Quốc tế của Mỹ (USAID) yêu cầu giấu tên nói rằng các viên chức chịu trách nhiệm về các dự án ở Ukraine đã được yêu cầu dừng mọi công việc.

Trên bình diện rộng, theo công điện, "quyết định có tiếp tục không, điều chỉnh hay chấm dứt các chương trình sẽ do ông Rubio đưa ra" sau khi xem xét trong 85 ngày tới. Cho đến lúc đó, ông Rubio mới có thể chấp thuận các trường hợp miễn áp dụng.

Ông Rubio đã cho miễn áp dụng đối với viện trợ lương thực khẩn cấp, theo công điện. Văn bản này của bộ ngoại giao Mỹ cũng viết rằng cho đến nay ông Rubio đã chấp thuận miễn áp dụng đối với "tài trợ quân sự nước ngoài dành cho Israel và Ai Cập và các chi phí hành chính, bao gồm cả tiền lương, cần thiết để quản lý tài trợ quân sự nước ngoài".

Israel nhận được khoảng 3,3 tỷ đô la viện trợ quân sự của Mỹ hàng năm, trong khi Ai Cập nhận khoảng 1,3 tỷ đô la

Theo đề nghị từ chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden gửi đến quốc hội Mỹ, các nước được nêu tên để nhận các khoản tài trợ như vậy vào năm 2025 bao gồm Ukraine, Georgia, Estonia, Latvia, Lithuania, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Djibouti, Colombia, Panama, Ecuador, Israel, Ai Cập và Jordan.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG