Tòa Bạch Ốc ngày 23/4 công bố mục tiêu tối hậu trong bất kỳ cuộc thương lượng nào mà Tổng thống Donald Trump có thể có với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cũng sẽ là phi hạt nhân hóa và rằng chiến dịch ‘áp lực tối đa’ của Mỹ đối với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục và chế tài sẽ không được dỡ bỏ ‘chừng nào chúng ta chưa nhìn thấy hành động cụ thể tiến tới việc phi hạt nhân hóa đầy đủ và hoàn toàn.’
Đáp câu hỏi của đài VOA về các tuyên bố gần đây từ Bình Nhưỡng, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders ngày 23/4 nhấn mạnh: “Chúng ta không đơn thuần tin vào lời nói của Triều Tiên.”
“Chúng ta không ngây thơ trong tiến trình này,” bà Sanders nói thêm. “Chúng ta đã thấy vài bước đúng hướng, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài.”
Ông Kim đã loan báo ngưng các cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân và phóng thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Hôm 22/4, Tổng thống Trump dường như ngụ ý rằng ông Kim đã đồng ý từ bỏ kho hạt nhân dù Bình Nhưỡng chưa hề loan báo như thế.
Ông Trump viết trên Twitter rằng: “Chúng ta không nhượng bộ gì cả & họ đã đồng ý phi hạt nhân hóa (rất tuyệt cho Thế giới), đóng cửa địa điểm & không thử nghiệm nữa!”
Phát ngôn nhân Sanders hôm 23/4 cũng lưu ý vai trò tích cực hơn của Trung Quốc trong việc áp lực Bình Nhưỡng, điều mà bà cho rằng nhờ vào mối quan hệ làm việc tích cực giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực hơn trong việc áp lực Triều Tiên. Họ chắc chắn có thể làm hơn nữa và chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như thế,” bà Sanders nói.
Trước đó, khi được hỏi Tổng thống Trump định nghĩa phi hạt nhân hóa thế nào, bà Sanders đáp “nghĩa là Triều Tiên không có hoặc không thử phi đạn hạt nhân.”
Các giới chức khác trong chính quyền Trump bày tỏ hy vọng thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới sẽ mang lại kết quả khả quan.
“Hiện giờ, tôi nghĩ có nhiều lý do để lạc quan rằng các cuộc thương thuyết sẽ hiệu quả, chúng ta hãy chờ xem,” Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố.
Dù Hàn Quốc nói Bình Nhưỡng tỏ ý từ bỏ võ khí hạt nhân, nhưng lãnh tụ Triều Tiên hôm 21/4 nêu rõ kho hạt nhân của miền Bắc sẽ được duy trì và gọi đó là ‘bảo kiếm quyền năng’ giúp bảo đảm cho “các thế hệ tương lai có được cuộc sống dồi dào phẩm giá và hạnh phúc nhất trên thế giới.”
Trước thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Mỹ, ông Kim thứ sáu tuần này sẽ họp với Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, tại làng biên giới.
Hàn Quốc ngày 23/4 ngưng phát sóng các thông điệp tuyên truyền sang biên giới phía Bắc, với hy vọng tạo không khí hòa bình giữa hai nước.
Cả Hàn Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Về phương diện kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Khói đạn trong cuộc chiến Triều Tiên kéo dài 37 tháng chấm dứt năm 1953 bằng một cuộc đình chiến nhưng đôi bên chưa ký hiệp định hòa bình và Tổng thống Hàn Quốc hy vọng lần này sẽ đả thông được bế tắc 65 năm qua.