Bang giao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên gây nhiều tranh cãi hơn sau vụ tấn công mạng nhắm vào hãng Sony. Hoa Kỳ đã nhanh chóng bác bỏ một đề nghị của Bắc Triều Tiên nhằm hạ giảm căng thẳng trong khu vực, thay vào đó lại tập trung làm áp lực và cô lập hoá chế độ nước này. Từ Seoul, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.
Bắc Triều Tiên đã bị đặt dưới các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vì tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân bị cấm chỉ.
Đó là lý do vì sao Washington nói là không phù hợp và là một lời đe doạ gián tiếp khi Bắc Triều Tiên đề nghị đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân nếu Hoa Kỳ đồng ý ngưng các cuộc thao diễn quân sự với Nam Triều Tiên.
Phó Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc An Myong Hun tuyên bố qua việc bác bỏ đề nghị này, Hoa Kỳ đang khẳng định lại ý đồ thù nghịch của mình.
“Qua việc từ chối không chấp nhận đề nghị của chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, hoa Kỳ một lần nữa chứng tỏ sẽ tiếp tục gia tăng các khả năng tấn công quân sự ở Nam Triều Tiên trong khi yêu cầu chúng tôi không có những khả năng phòng vệ quốc gia của chính chúng tôi.”
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một lệnh ngưng bắn chứ không phải một hiệp ước chính thức năm 1953, hai bên trên nguyên tắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh. Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện quân sự hùng hậu ở Nam Triều Tiên và hai bên thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung.
Bang giao giữa 2 nước đã trở nên căng thẳng hơn tiếp theo điều mà Hoa Kỳ gọi là một vụ tấn công mạng do Bắc Triều Tiên thực hiện vì cuốn phim “The Interview” mô tả một cách hài hước vụ ám sát lãnh tụ Kim Jong Un. Bình Nhưỡng đã phủ nhận mọi vai trò trong vụ tấn công này.
Ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Tài chính Daniel Glaser nói các biện pháp chế tài mới nay được áp đặt đối với Bắc Triều Tiên sẽ giúp Hoa Kỳ bóp nghẹt về mặt tài chính các cơ quan và giới chức cụ thể can dự vào vụ khủng bố mạng.
“Một khi đã nhắm mục tiêu như thế, chúng ta có thể áp đặt các biện pháp chế tài đối với bất kỳ cá nhân hay thực thể nào cung cấp cho họ sự hỗ trợ vật chất hoặc bất cứ cá nhân hay thực thể nào họ đặt trong vòng kiểm soát.”
Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Sung Kim nói Hoa Kỳ đang làm việc chặt chẽ hơn với đồng minh chính của Bắc Triều Tiên trong khu vực, một nước ngày càng lo ngại về việc Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và về thành tích nhân quyền tồi tệ.
“Tôi nghĩ điều chúng ta thấy trong việc hợp tác với Trung Quốc là Trung Quốc hợp tác với chúng ta hữu hiệu hơn và tìm cách kìm hãm các hoạt động nguy hiểm của Bắc Triều Tiên.”
Nam Triều Tiên đã đề nghị họp với các giới chức Bắc Triều Tiên mà không đề ra điều kiện tiên quyết nào. Nhưng Washington tiếp tục giữ một lập trường cứng rắn, đòi Bình Nhưỡng phải hạn chế chương trình hạt nhân để tuân thủ các thoả thuận quốc tế đã có trước khi khởi sự các cuộc thương nghị mới.